Hơi thở của ngôi nhà
Chia sẻ
1.
Vì công việc, tôi có nhiều cơ hội và may mắn được tới thăm, chụp ảnh nhiều công trình nhà ở. Gọi chung là nhà ở nhưng cũng đa dạng về thể loại, tính chất: nhà phố, biệt thự, căn hộ chung cư; trong đó có nhà rộng, nhà hẹp, nhà cao, nhà thấp, nhà đẹp và cả nhà không đẹp…
Mỗi căn nhà là mỗi kiểu cách, dáng vẻ, phần nào phản ánh năng lực tài chính và thói quen, sở thích, cá tính của chủ nhân. Cá nhân tôi thích tới thăm và chụp ảnh công trình khi đã đưa vào sử dụng, khi đã có hơi thở cuộc sống, bóng dáng của con người.
Thực tế thì điều này hơi vất vả một chút vì phải dọn dẹp, sắp đặt để khuôn hình được đẹp đẽ và chỉn chu; điều này đôi khi cũng hơi phiền hà cho chủ nhà. Nhưng cũng nhờ đó, cảm nhận về ngôi nhà và chủ nhân thường rõ nét hơn.
Cuộc sống và tính cách của chủ nhân, của mỗi thành viên trong gia đình thể hiện ngay trong không gian ngôi nhà, cách thức sắp xếp đồ đạc, bố trí nội thất, sắp đặt vị trí các vật dụng, hay cả vấn đề vệ sinh. Nhưng quả thực, không có nhiều ngôi nhà đem lại cảm xúc, mỹ cảm tích cực, lôi cuốn, hay nói cách khác là ngôi nhà đẹp và có sức sống.
Nhiều năm trước, tôi thường gặp những ngôi nhà khá là lôi thôi, luộm thuộm, lộn xộn. Một phần do yếu tố nội thất chưa được chú trọng trong thiết kế, và chủ nhân cũng ít đầu tư chăm sóc cho không gian ở của mình, những thói quen (xấu) cũ vẫn chưa bỏ – do hệ quả của những năm tháng khó khăn.
Trong những năm gần đây, tôi lại hay gặp những không gian bóng bẩy, trơn tru, ngăn nắp và… trống rỗng. Dường như không có hơi thở cuộc sống trong đó. Nhà thì đẹp – hẳn rồi, dễ thấy sự đầu tư cho thiết kế, cho trang thiết bị và vật liệu.
Đi khắp nhà chỉ thấy những thứ đồ nội thất sắp đặt chuẩn trong sự tính toán kỹ càng của thiết kế, hiếm thấy những thứ vật dụng cá nhân, những góc ký ức, những bức ảnh lưu niệm gia đình, những tờ báo hay cuốn sách…
Nhiều ngôi nhà có phòng khách rộng, phòng bếp xịn, phòng ngủ tiện nghi nhưng khó tìm một góc nào phản ánh cuộc sống, cá tính của chủ nhân, khó biết chủ nhân làm nghề nghiệp gì, có sở thích gì.
Những không gian kiểu này thấy ngày càng nhiều trên các báo, tạp chí hay các trang mạng. Đôi khi có cảm giác, những không gian này thiết kế ra để phục vụ nhu cầu chụp ảnh chứ không phải để sống, sinh hoạt.
Chốn này có thể là nơi thư giãn lý tưởng, chủ nhân thường nghỉ ngơi, uống trà và đọc sách báo hay nghe một bản nhạc yêu thích, ngắm một vạt nắng ngoài hiên…. Đó chính là cái hồn, là hơi thở của người và của ngôi nhà
2.
Mỗi năm, mỗi ngôi nhà thường có vài lần thay đổi (theo hướng tích cực) trong những dịp đặc biệt nào đó. Có thể đó là ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm của gia đình, ngày có sự hỷ, Noel, và đặc biệt là tết Nguyên đán.
Ngày tết truyền thống là sự kiện thường niên, và cũng mang lại nhiều cảm xúc nhất cho các thành viên trong gia đình. Dọn dẹp, trang trí nhà ngày tết là việc không thể bỏ qua đối với mỗi gia đình.
Và ngôi nhà, không gian sống cũng có nhiều đổi thay nhất trong dịp này. Việc chuẩn bị cho ngày tết thường được chuẩn bị trước cả tuần, từ việc dọn vệ sinh, kê sắp đồ đạc, mua sắm đồ trang trí và trang trí nhà cửa.
Những công việc này thường được cả gia đình cùng làm, rất có ý nghĩa trong việc kết nối tinh thần. Cái không khí ấy như đem một luồng gió mới, một sức sống mới cho ngôi nhà.
Một chậu quất, một cành đào, cành mai làm bừng lên cả một phòng khách hay khoảng sân nhà; mâm ngũ quả, lọ hoa, bánh mứt… trên bàn thờ làm ấm áp cả không gian vốn buồn tẻ, vắng vẻ suốt năm. Cái tất bật, vội vã của mỗi thành viên, cái sự cẩn thận chăm chút ấy làm nên một hơi thở mới, sức sống mới với những niềm vui hồi hộp và ngóng đợi.
Có những thứ như chả liên quan đến tết, nhưng tết người ta mới làm, và nói là: để ăn tết; như sắm một cái tivi mới, thay cái tủ lạnh, rước về một cái máy giặt mới hay thậm chí cả cái ô tô. Bởi đó là tết!
Thế rồi tết cũng qua, và ai cũng cảm giác là qua nhanh thế. Đào, hoa rồi cũng héo; những thứ đồ cúng trên bàn thờ cũng vơi dần, nhà cửa lại kém sạch sẽ và lộn xộn thêm. Dường như ai cũng chấp nhận đó là điều tất yếu.
Cuộc sống trở lại guồng quay vốn dĩ, và không khí vui vẻ, ấm cúng, tươi mới cũng nhạt dần. Hơi thở cuộc sống dường như yếu đi, tẻ nhạt, thậm chí buồn, trống trải hơn vì vừa qua một quãng vui. Đôi khi có cảm giác như là một sự hẫng hụt, một sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực cả về không gian và thời gian.
Đương nhiên tết chẳng thể kéo dài mãi, niềm vui rộn ràng cũng hết, những chén rượu xuân rồi cũng cạn. Và tất cả lại bắt đầu một giai đoạn khác, cũ mà cũng mới, và nhiều thứ lại làm quen từ đầu.
Sau những ngày tết, sau những sự kiện, sau những quãng vui, ngôi nhà như chùng xuống, không khí như chùng xuống. Đó là một cảm giác tiêu cực không ai muốn có. Rõ ràng những chậu hoa, những cây đào, mai, quất… có làm đẹp thêm không gian, đem sức sống, hơi thở mới cho ngôi nhà nhưng không phải là tất cả; và chỉ có giá trị hữu hạn.
Những đồ trang trí ngày lễ, ngày tết chỉ là thứ phù phiếm nhất thời. Để duy trì được tinh thần tích cực, hơi thở đầy sức sống của ngôi nhà trong suốt thời gian dài, là chính nhờ bàn tay, cuộc sống, giá trị văn hoá của chủ nhân.
3.
Tôi vẫn cứ tin mỗi ngôi nhà đều có linh hồn. Linh hồn ấy được tạo nên bởi chủ nhân và những thành viên trong gia đình. Ngôi nhà có linh hồn mới là ngôi nhà, nếu không nó chỉ là cái xác kiến trúc, hay cái máy để ở. Tiếng Anh có cặp từ “house” và “home” để nói về khía cạnh ấy.
Và tôi cũng nghĩ rằng: xây một ngôi nhà – dẫu khó nhưng vẫn dễ hơn là tạo dựng nên linh hồn, thổi sức sống vào ngôi nhà ấy, để nó thực sự là tổ ấm, là chốn quây quần sum họp, là nơi trở về… Tất nhiên, mỗi ngôi nhà khác nhau với chủ nhân khác nhau có linh hồn khác nhau, hơi thở cuộc sống khác nhau. Điều này khó có thể có những cắt nghĩa cụ thể, mà chỉ có thể nhận thấy bằng cảm quan.
Một người họ hàng của tôi đi mua nhà, kể chuyện rằng: ông đã không chọn một ngôi nhà đẹp (tất nhiên không phải lý do tài chính) mà vì đi khắp nhà, ông không thấy có dấu vết bóng dáng của trẻ con; không thấy những không gian bừa bộn của lũ trẻ, không thấy đồ chơi, không thấy cả những nét vẽ nguệch ngoạc trên tường như thường có. Ngôi nhà đó đẹp và quá sạch sẽ, nhưng lạnh lẽo. Với ông, điều đó như thiếu một cái gì đó thuộc về duyên, hay là phúc.
Cách đây vài năm, tôi có tới thăm và chụp ảnh công trình cho một anh bạn kiến trúc sư. Đó là một ngôi nhà ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại và thiết bị thông minh. Trong lúc ngồi trò chuyện, chủ nhà cầm remote bấm bấm và liền đó trong không gian phát ra tiếng nhạc. Chủ nhà khoe, bất cứ phòng nào cũng có thể nghe nhạc nhờ hệ thống thông minh đó, mà không cần dàn máy và đĩa CD cồng kềnh.
Tôi chẳng dám nói gì, vì mình là tín đồ của đĩa CD và nghe nhạc bằng cách “thủ công”. Cái cảm giác nâng niu chiếc đĩa, nhấc nó ra khỏi vỏ, nhẹ nhàng đặt vào khay đĩa, rồi ấn nút “Play”, và chờ đợi… là niềm vui, hạnh phúc của tôi mấy chục năm qua. Mỗi chiếc đĩa cũng như là tài sản, là kỷ vật; thậm chí, có chiếc đã hỏng mà tôi vẫn giữ như là kỷ niệm. Những thú chơi hình như dần dần bị cuộc sống công nghệ đẩy lùi xa…
Cuộc sống hiện đại hơn, con người càng tiếp xúc với máy móc công nghệ nhiều hơn là một xu hướng tất yếu. Dẫu vậy thì hiện đại hay nhanh chưa hẳn đã là hay. Cuộc sống cần có những khoảng lặng, khoảng lùi, ngôi nhà cần có hơi thở. Kiến trúc đẹp và nội thất tiện nghi không làm nên điều đó. Công nghệ cũng không làm nên điều đó. Nó chỉ có thể được tạo nên bởi tâm hồn, tính cách của chủ nhân và gia đình.
Theo Kiến trúc & Đời sống