ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Nhiều cửa sáng cho thị trường văn phòng và bán lẻ của Hà Nội

Chia sẻ

Khác TP.HCM, thị trường cho thuê văn phòng và bán lẻ ở Hà Nội trong quý đầu năm 2021 khá ổn định, cân bằng và được dự báo có nhiều cửa sáng trong năm nay.

Thị trường bán lẻ nhiều triển vọng

Tổng nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội đạt khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 2% theo năm. Nguồn cung tăng trưởng trung bình 5%/năm trong 5 năm qua. Khu vực nội thành với thị phần 42% ghi nhận mật độ bán lẻ cao nhất là 0,48 m2/người.

Vincom Mega Mall Smart City đi vào hoạt động trong quý 2/2021

Giá thuê gộp trung bình tầng trệt ở mức 41 USD/m2 /tháng tăng 2% theo quý và 1% theo năm. Công suất thuê trung bình ở mức 95% tăng 2 điểm % theo quý nhưng ổn định theo năm. Diện tích cho thuê thêm trong quý 1 ở mức 36.300 m2 với kết quả cao nhất của phân khúc trung tâm mua sắm.

Savills đánh giá thị trường bán lẻ Hà Nội có triển vọng tươi sáng. Trong quý 1/2021, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 145,9 nghìn tỷ đồng (6,3 tỷ USD), tăng 6,8% theo năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 98,2 nghìn tỷ đồng (4,2 tỷ USD), tăng 9,5% theo năm.

Trong quý /2021, GDP Hà Nội tăng trưởng ở mức 5,2% theo năm, vượt mức tăng 4,5% theo năm của cả nước. Những hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Được dự báo tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục vượt trội hơn so với các nước trong khu vực trong năm 2021.

Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định: “Các thương hiệu bán lẻ quốc tế đánh giá Hà Nội là thị trường mở rộng. Trung tâm mua sắm cao cấp hoặc khu bán lẻ khách sạn hạng sang có sức hấp dẫn đối với nhóm khách thuê này hơn là các căn nhà phố thông thường hoặc các dự án độc lập”.

Đến hết năm 2022, 15 dự án với nguồn cung khoảng 132.000 m2 dự kiến sẽ ra mắt. Dự án đáng chú ý nhất là Vincom Mega Mall Smart City với 44.000 m2 đi vào hoạt động trong quý 2 này. Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu người tiêu dùng nội địa, với GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài đang góp phần thúc đẩy sự phát triển của bán lẻ hiện đại.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang chiếm thị phần đáng kể: 17% tại phân khúc trung tâm mua sắm và siêu thị, 70% tại phân khúc cửa hàng tiện lợi, 15% tại phân khúc siêu thị mini và 50% qua hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình và điện thoại di động. Tập đoàn Aeon và Lotte đang lên kế hoạch xây dựng hai dự án quy mô lớn tại quận Hoàng Mai và Tây Hồ.

Văn phòng cho IT và sản xuất gia tăng

Tổng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong quý 1/2021 đạt trên 2 triệu m2, tăng 3% theo quý và 10% theo năm. Hai dự án hạng A gia nhập thị trường với 9.700 m2 tại khu vực trung tâm và khu vực phía tây, cùng 6 dự án hạng B với 40.000 m2 tại khu vực nội thành và khu vực phía tây.

Phân khúc hạng A có tăng trưởng nguồn cung lớn nhất theo năm với 24%, theo sau là văn phòng hạng B với 9%. Tuy nhiên, hạng B vẫn duy trì nguồn cung lớn nhất với gần 940.000 m2, tương đương với 47% tổng nguồn cung thị trường. Khu vực nội thành dẫn đầu với 850.000 m2, tương đương với 43% nguồn cung.

Hoạt động thị trường được xem là ổn định với giá thuê gộp trong quý đạt 21 USD/m2/tháng, ổn định theo quý nhưng tăng 5% theo năm, trong khi công suất thuê trung bình đạt 89%, ổn định theo quý nhưng giảm 4 điểm % theo năm, chủ yếu do các dự án hạng A và B mới gia nhập với quy mô lớn và giá thuê cao.

Phân khúc hạng A dẫn đầu thị trường với giá thuê trung bình 33 USD/m2/tháng, cao hơn 1,7 lần so với hạng B và 2,5 lần so với hạng C. Tuy nhiên, văn phòng hạng C lại đạt công suất cho thuê cao nhất thị trường với 95%, theo sau là hạng B và hạng A. Diện tích cho thuê thêm trong Q1/2021 đạt 37.000 m2, với kết quả tích cực nhất tại phân khúc hạng B.

Trong quý 1/2021, có hơn 5.800 doanh nghiệp thành lập mới được thành phố cấp phép chứng nhận, giảm 6% theo năm với tổng số vốn đăng ký là 59,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15% theo năm. Tuy nhiên, đã có 900 doanh nghiệp giải thể, tăng 57% theo năm, 4.880 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 56% và gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Sự cân bằng giữa số doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp ngừng hoạt động đã giữ giá thuê thị trường được ổn định.

Bà Hoàng Nguyệt Minh nhận định: “Nhu cầu thuê văn phòng đối với lĩnh vực IT và sản xuất đã gia tăng trong quý trước. Các giao dịch thuê văn phòng với lĩnh vực IT và sản xuất có quy mô chủ yếu trên 1.000 m2. Tuy nhiên, những giao dịch với quy mô này sẽ tạo áp lực lên giá thuê văn phòng”.

Đến hết năm 2023, khoảng 420.000 m2 từ 18 dự án sẽ gia nhập, hầu hết thuộc hạng B với 230.000 m2 và nằm tại khu vực khác với 120.000 m2. Các dự án đáng chú ý bao gồm Vinfast Tower và BRG Grand Plaza trong năm 2021, dự án 36 Cát Linh năm 2022, dự án Lotte Mall và 27-29 Lý Thái Tổ trong năm 2023.

Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới.

Trong quý 1/2021, GDP của Hà Nội tăng trưởng 5,2% theo năm, cao hơn so với tăng trưởng trung bình của cả nước là 4,5% và của thành phố quý trước là 4,1%. Theo FocusEconomics dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm 2021 và 6,8% trong năm 2022, cao nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á, nhờ vào việc ngăn chặn dịch bệnh nhanh chóng, triển khai sử dụng vắc xin và chính sách tiền tệ linh hoạt.

___________

Bài liên quan

Nhu cầu đổi và mở rộng văn phòng tăng cao sau dịch Covid-19

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments