ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Cần tháo gỡ những bất cập trong chính sách tài chính nhà ở xã hội

Chia sẻ

Thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chỉ ra.

Lần đầu tiên kể từ ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực (ngày 1/7/2015) đến nay, Chính phủ áp dụng thống nhất mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định.

Nhà ở xã hội tại TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Giai đoạn trước đó, mức 4,8%/năm chỉ áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, còn Ngân hàng Nhà nước quyết định mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định là 5%/năm.

Ngoài ra còn nhiều bất cập khác.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không được vay ưu đãi tín dụng

Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội “Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán”.

Tuy nhiên, Nghị định 100/2015/NĐ-CP lại quy định trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án nhà ở xã hội để cho thuê.

Do vậy 5 năm qua, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm. Chi phí này được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội, dẫn đến đơn giá nhà ở xã hội lên đến khoảng 18-20 triệu đồng/m2. Đồng thời, do thiếu vốn nên nguồn cung dự án nhà ở xã hội bị sụt giảm.

Người mua nhà ở xã hội gần như không tiếp cận được nguồn vốn

Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội đã dành 1.262 tỷ đồng để cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội. Năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 1.000 tỷ đồng, 4 ngân hàng thương mại được phân bổ 2.000 tỷ đồng, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, việc chưa bố trí được đủ nguồn vốn mồi từ ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, là 1 trong 3 nguyên nhân chủ yếu: thiếu vốn, thiếu quỹ đất, vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế

Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng: “Có rất ít doanh nghiệp có tâm và có năng lực, đã dành quỹ đất do mình tự tạo lập và tự bỏ vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, cần được khuyến khích và cần được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn, được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015//NĐ-CP”.

Bất cập trong thực hiện yêu cầu gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội

Luật Nhà ở 2014 quy định Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định.

Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.

Trong khi đó, người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay ưu đãi tín dụng tại Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV thì không phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội, do Luật Nhà ở 2014 không có quy định này. Do đó, đã có độ vênh về chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.

Quy định hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm là khá hợp lý, khi lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội 4,8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay ưu đãi tại 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định là 5%/năm.

“Nhưng nay, lãi suất cho vay ưu đãi như nhau thì nên tạm dừng thực hiện quy định hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị.

___________

Bài liên quan

Đề xuất chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất mua nhà ở xã hội 3%/năm

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments