TP.HCM: Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện được thực hiện 11 loại thủ tục nhà đất
Chia sẻ
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa ra quyết định số 502 về việc cấp và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).
Theo đó, giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức được ủy quyền cấp và hủy sổ hồng sau khi thực hiện 11 loại thủ tục nhà, đất cho các hộ gia đình, cá nhân.
Giám đốc 22 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận huyện và thành phố Thủ Đức được ủy quyền thực hiện việc cấp đổi, cấp lại sổ hồng, sổ hồng quyền sở hữu nhà ở, sổ hồng quyền sở hữu công trình xây dựng.
Sau khi các chi nhánh ký cấp sổ hồng, toàn bộ hồ sơ chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM để đóng dấu. Việc chuyển sổ hồng về trụ sở của Văn phòng đăng ký đất đai thành phố để đóng dấu được thực hiện theo cụm.
Văn phòng đăng ký đất đai thành phố nhận các sổ hồng đã được ký tại các chi nhánh để đóng dấu và trả lại trong vòng 24 giờ.
Ưu điểm của việc ủy quyền này là khi hồ sơ bị trễ hẹn, người có trách nhiệm biết được nơi hồ sơ đang tắc và thời gian giải quyết để trả lời chính xác cho người dân.
Hiện TP.HCM đang tồn đọng khoảng 23.000 hồ sơ liên quan đến đất đai chưa được giải quyết.
____________
11 thủ tục cấp sổ hồng được ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai
– Thủ tục cấp sổ hồng đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 mà bên chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định (trường hợp có nộp giấy chứng nhận).
– Thủ tục cấp sổ hồng đối với trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 có nộp giấy chứng nhận.
– Thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng sổ hồng (cấp mới giấy chứng nhận).
– Thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức (trừ doanh nghiệp); thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất (cấp mới giấy chứng nhận).
– Thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp (cấp mới giấy chứng nhận).
– Thủ tục tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (cấp mới giấy chứng nhận).
– Cấp đổi giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
– Thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “dồn điền đổi thửa”.
– Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc trang bổ sung của giấy chứng nhận do bị mất.
– Đính chính giấy chứng nhận đã cấp.
– Đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan có thẩm quyền (cấp mới giấy chứng nhận).
____________
Bài liên quan
Chậm nộp hồ sơ làm sổ hồng, chủ đầu tư có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng