Co-working space tìm lối thoát hiểm
Chia sẻ
Loay hoay với bài toán đầu ra, một số co-working space Việt Nam có thể phải chọn liên kết hoặc sáp nhập.
Các doanh nghiệp co-working space (không gian làm việc chung) ở Việt Nam có 2 con đường để chọn trong bối cảnh dịch bệnh: liên kết để phát triển hoặc sáp nhập với các đơn vị lớn hơn.
Áp lực từ dịch bệnh
Cuối tháng 5.2021, Toong đưa trạm mới thứ 2 liên tiếp trong năm 2021 và cũng là trạm thứ 10 ở TP.HCM đi vào hoạt động. Trước đó 1 tháng, đơn vị này công bố đã vận hành không gian làm việc chung đầu tiên tích hợp vào chuỗi khách sạn trong dự án hợp tác chiến lược với Wink Hotels.
Ông Dương Đỗ, CEO Toong, cho biết theo dự tính từ đây đến cuối năm sẽ đưa thêm tối thiểu 2 chi nhánh mới ở TP.HCM đi vào hoạt động. Trong đó, có một chi nhánh được thiết lập trong cùng tổ hợp căn hộ và khách sạn do tập đoàn khách sạn IHG quản lý. Đồng thời, Toong cũng đang triển khai hoàn thiện thiết kế và thi công 3 địa điểm hợp tác với Wink Hotels ở Cần Thơ, Đà Nẵng.
Toong là một trong các doanh nghiệp khá hiếm trên thị trường co-working space vẫn ổn định với kế hoạch mở rộng, phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành đang phải tạm dừng vì dịch bệnh.
Một báo cáo năm 2020 của CBRE chỉ ra tỉ lệ lấp đầy văn phòng dịch vụ co-working space và văn phòng cho thuê đang sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt là mảng co-working space, khi tồn kho đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây ở châu Á – Thái Bình Dương.
Có 2 nguyên nhân tác động đến thị trường này. Đầu tiên là lệnh giãn cách đã làm hạn chế nhu cầu đi lại của người lao động. Thứ 2, việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.
Theo Crunchbase, tổng số vốn toàn cầu năm 2020 đổ vào các doanh nghiệp công nghệ là 300 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ, nhưng dòng vốn chỉ ưu tiên chảy vào các ngành hưởng lợi vì giãn cách như giáo dục trực tuyến, giải trí, chăm sóc sức khỏe trực tuyến…
Nhìn chung, các thương vụ gọi vốn từ vòng hạt giống cho đến các vòng sâu hơn đều giảm so với cùng kỳ. Ở Việt Nam, Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 (do Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thực hiện) cho thấy tổng vốn rót vào các starup Việt Nam đạt hơn 450 triệu USD, giảm 48% so với cùng kỳ.
Mặc dù các công ty lớn và lâu đời đang có chiều hướng cân nhắc các văn phòng dịch vụ, nhưng khi nguồn vốn không còn dồi dào sẽ không có việc mở rộng sang các nước trong khu vực hay gia tăng quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp, dẫn đến nhu cầu thuê văn phòng bị ảnh hưởng gần như ngay lập tức.
Theo CBRE, không lâu sau khi dịch bệnh phát tán vào đầu tháng 2 năm ngoái, những cá nhân, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp căng thẳng tài chính đột ngột đã nhanh chóng yêu cầu các biện pháp cứu trợ từ các co-working space do không có khả năng thanh toán phí thành viên.
Các chính sách thu hút khách hàng gia hạn, phổ biến là giảm phí thành viên một số nhóm khách hàng hiện tại, miễn phí trong một số thời hạn nhất định, hoãn thanh toán phí hoặc đưa giá khuyến mãi cao cho các thời hạn thuê dài hơn.
Viễn cảnh hậu COVID-19
Nhưng cánh cửa không phải đóng lại hoàn toàn với các co-working space ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Mặt tích cực của dịch bệnh là các chủ đất (khách sạn, tòa nhà văn phòng) nhìn nhận xu hướng chia sẻ không gian làm việc chung là tất yếu.
Báo cáo của CBRE cho thấy các chủ đất muốn phân bổ 20% diện tích văn phòng hiện tại cho các không gian làm việc chung và tin rằng việc này có thể nâng giá trị tòa nhà. Nhóm này sẽ tham gia thị trường bằng 2 cách tự vận hành hoặc hợp tác với một đơn vị co-working space có thâm niên trên thị trường. Từ năm 2018, một số khách sạn ở Việt Nam đã thử nghiệm mô hình này, nhưng hợp tác theo mô hình chuỗi thì hiện chỉ mới có Toong và Wink Hotels.Sự thay đổi thói quen làm việc do dịch bệnh đã tác động đến chủ đất. Không có gì chắc chắn người lao động sẽ quay lại làm việc đầy đủ sau dịch nên họ cần các giải pháp cho thuê có thể linh động tăng trưởng theo nhu cầu của khách hàng.
Theo ông Dương, việc hợp tác giữa 2 bên trên thực tế là không dễ vì các doanh nghiệp co-working space có những công thức khá cứng về tiêu chuẩn mặt bằng mà họ có thể triển khai dịch vụ. Trong khi đó, với những mặt bằng trong khách sạn, đòi hỏi phải có một quy hoạch không gian và dịch vụ cho tối ưu không chồng lấn với tiện ích của khách sạn và liên kết chặt chẽ với những tiện ích và dịch vụ khác trong khách sạn đó.
Không nhiều nhà phát triển co-working space dành thời gian để tìm giải pháp cho những dự án nằm ngoài công thức chuẩn của họ. Vì vậy, nhiều đơn vị không làm được hoặc có làm nhưng không xem đây là sản phẩm kinh doanh độc lập, mà chỉ là tiện ích của khách sạn.
“Quan trọng là làm sao tạo sự cộng hưởng trong trải nghiệm của cả khách lưu trú tại khách sạn và làm việc trong không gian co-working space, song song đó là đảm bảo hiệu quả về mặt tài chính của mỗi bên”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu không thiết yếu sẽ bị cắt giảm. Các co-working space khi chứng minh được sự thiết yếu của mình vẫn có khả năng tăng trưởng trong đại dịch.
Khi việc hợp tác không phải là phương án dễ dàng, nhiều đơn vị tiến hành tích hợp thêm dịch vụ co-living (sống chung) vào mô hình hiện tại để đáp ứng cùng lúc nhu cầu cư trú và làm việc, nhưng chưa có mô hình nào chứng minh được hiệu quả. Kể cả WeWork, đơn vị tiên phong trong mô hình co-working space từng phát triển WeLive nhưng chưa có kết quả rõ ràng.
Các co-working space vẫn đang loay hoay tìm đầu ra, trong khi sự hiện diện của nhóm chủ đất ngày càng rõ ràng hơn trong lĩnh vực không gian làm việc chung. Theo dự báo của CBRE, viễn cảnh của các co-working space ở châu Á – Thái Bình Dương là sẽ có nhiều cuộc mua bán – sáp nhập trong thời gian tới. Các đơn vị nhỏ hơn sẽ bị mua lại bởi những doanh nghiệp cùng ngàn.
Theo Nhịp cầu đầu tư