ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp bất động sản xoay vốn ngắn hạn

Chia sẻ

Bị ngân hàng siết tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tích cực gọi vốn bằng trái phiếu với mức lãi suất cao hơn đáng kể so với bình quân thị trường.

Dù không “nóng” như trước, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021. Báo cáo thị trường trái phiếu mới đây của Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá rằng trong quí 2/2021, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã sôi nổi trở lại.

Trong quí 2, tổng giá trị TPDN phát hành trong quí 2 đạt gần 135 nghìn tỉ đồng tăng 3,4 lần so với quí trước. Trong số đó, riêng nhóm bất động sản phát hành khoảng gần 29 nghìn tỉ đồng. Báo cáo cũng ghi nhận lãi suất huy động trái phiếu từ các doanh nghiệp bất động sản vẫn bình quân ở mức 10,7%/năm. Trong khi lãi suất huy động cao nhất trong số các ngành nghề thì kỳ hạn phát hành lại ngược lại, ở mức thấp nhất.

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi cao để tìm vốn khi ngân hàng siết tín dụng. Ảnh: Duy Quang

Thống kê cho thấy kỳ hạn bình quân các doanh nghiệp bất động huy động khoảng 3,4 năm (trung bình là 3,6 năm). Một số doanh nghiệp phát hành với mức lãi suất cao nhất thị trường có kể đến trường hợp của Công ty phát triển Bất động sản Phát Đạt.

Công ty này huy động 2 khoản (mỗi khoản có giá trị 130 tỉ đồng với kỳ hạn 2 năm) và đều có lãi suất 13%/năm. Đây cũng là mức lãi suất mà Phát Đạt huy động trong năm ngoái. Còn nhóm huy động với lãi suất 12%/năm có thể đến Công ty cổ phần Galactic Group (quy mô 774 tỉ đồng, kỳ hạn 4 năm), Tập đoàn Đất Xanh (370 tỉ đồng, kỳ hạn 2 năm bao gồm quyền mua lại trước hạn và bảo lãnh thanh toán), Công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (400 tỉ đồng, kỳ hạn 4 năm kèm quyền mua lại theo thỏa thuận).

Xét về giá trị phát hành trong nhóm bất động sản thì quy mô lớn nhất thuộc về Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill với khoản huy động 5.760 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,7%), Công ty cổ phần BCG land huy động 2.500 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi 11% với biên độ 4%).

Các nhà đầu tư cá nhân đã giảm mua trong sáu tháng qua, thay vào đó ngân hàng và công ty chứng khoán trở thành nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân vẫn mua gần 11.000 tỉ đồng trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc quý đầu tư DG Investment thì việc các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải sử dụng trái phiếu lãi suất cao gọi vốn là điều dễ hiểu khi mà dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp buộc các ngân hàng dự báo rủi ro tín dụng tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021.

Do đó, các ngân hàng dự kiến vẫn thắt chặt cho vay lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản, kinh doanh tài chính, kinh doanh du lịch. Đặc biệt là khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được xếp hạng đầu trong danh mục rủi ro. Các điều khoản, điều kiện cho vay nới lỏng hơn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong khi thắt chặt hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay kinh doanh chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2021.

Dưới góc độ đánh giá của các chuyên gia tài chính, ông Phương cũng đưa ra lời cảnh báo rủi ro và cho rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào lãi suất. Phần lớn các trái phiếu lưu hành trên thị trường cũng như doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chưa được định giá xếp hạng tín nhiệm tín dụng độc lập để giúp nhà đầu tư tham khảo và bổ trợ cho quyết định đầu tư.

Ngay cả nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tổ chức cũng có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng trái phiếu khi chưa có hệ thống và đội ngũ đánh giá nội bộ. Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp phát hành có thể bị tác động tiêu cực dẫn đến chất lượng trái phiếu bị ảnh hưởng.

Theo Lao động

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments