Doanh nghiệp mất 166 ngày hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng công trình
Chia sẻ
Doanh nghiệp trong nước mất khoảng 166 ngày để hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng một công trình, trong khi các nước trong khu vực chỉ mất một nửa thời gian để hoàn thiện.
Đó là ý kiến của Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường Kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan sáng 26/11.
Theo bà Thảo, báo cáo môi trường đầu tư kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) những năm qua đánh giá thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam có thứ hạng rất cao, đứng 25/190 nền kinh tế. Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng thực tế vẫn rất dài, các doanh nghiệp phải thực hiện 10 bước, trung bình mất khoảng 166 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng một công trình. Trong khi tại Singapore, doanh nghiệp cũng thực hiện 9 bước thủ tục nhưng chỉ mất 35,5 ngày để làm xong thủ tục.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI đánh giá, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng là nhóm thủ tục khó khăn hàng đầu với nhà đầu tư.
Ông Tuấn thông tin rằng, khảo sát ý kiến khoảng 10.200 doanh nghiệp có tham gia hoạt động xây dựng trong 2 năm qua của VCCI cho thấy bức tranh chung đáng suy nghĩ là tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn thực hiện thủ tục còn cao.
Có hơn 50% doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục đất đai đầu tư, hơn 40% gặp khó khăn khi làm thủ tục cấp phép xây dựng, quy hoạch đô thị. Trung bình 1 doanh nghiệp cần 3 lần đến cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng, cá biệt có doanh nghiệp mất từ 8-9 lần. Nếu quá trình cải cách làm cho thủ tục cấp phép xây dựng đơn giản hơn, doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả. Riêng cấp phép xây dựng, doanh nghiệp mất 23,93 ngày để làm thủ tục.
Còn dư địa cải cách thủ tục hành chính
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường có ý nghĩa quan trọng, không khác gì một gói cứu trợ cho doanh nghiệp (trong bối cảnh có nhiều khó khăn do dịch COVID-19).
Ngành xây lắp đang đóng góp trên 6% GDP, nếu tính cả bất động sản, các công trình hạ tầng thì ngành xây dựng đóng góp hơn 20% GDP cả nước và tạo hàng triệu việc làm. Vì vậy, giải pháp cải cách đơn giản hóa thủ tục về đầu tư kinh doanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giải phóng nhiều nguồn lực trong nền kinh tế, tạo đà cho kinh tế phục hồi, bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn tới.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước (của Bộ Xây) dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa (cải cách) còn rất lớn.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, từ đầu năm đến nay, ngành xây dựng đã cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ Xây dựng cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định rằng, thực hiện thành công phương án này hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành xây dựng, tạo ra sự đột phá nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021 và 2022.
Theo Tiền phong