Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành liên quan, ngân hàng cùng với doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp.
Thị trường quá khó
Thủ tướng cũng nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản. Đó là cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp. Giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người, phải mất 1 năm thu nhập bình quân mới mua được 2m2 nhà ở cao cấp. Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả…
Với ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu phải tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được. Trên tinh thần không ai giải cứu ai mà phải đảm bảo lợi ích hài hòa cùng nhau phát triển.
Trao đổi với DĐDN về mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản hiện nay tại khu vực Đà Nẵng, lãnh đạo một phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết thời gian qua Thống đốc NHNN cũng đã triệu tập các ngân hàng để họp bàn nghiên cứu và đánh giá thực chất thị trường để tìm ra giải pháp. Trên thực tế, các ngân hàng đã cho vay bất động sản vẫn rất muốn tiếp tục để thị trường bất động sản khơi thông dòng vốn luân chuyển và ngân hàng có thể thu hồi được nợ.
“Tuy nhiên đứng về góc độ xét tín nhiệm tài chính (CIC) của doanh nghiệp bất động sản trong quan hệ tín dụng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đang nằm trong nhóm nợ từ mức 3 trở lên, điều này buộc ngân hàng phải dè chừng mọi rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo nguồn vốn và khả năng thu hồi”, anh cho hay.
Thời điểm hiện nay, dọc các tuyến đường 2/9, Nguyễn Phước Lan (TP. Đà Nẵng – nơi được xem là những tuyến phố bất động sản) nhiều doanh nghiệp vẫn cửa đóng then cài, chỉ lác đác vài doanh nghiệp mở cửa nhưng hầu như không có nhân viên làm việc.
Trao đổi với PV về tình hình thị trường bất động sản khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam và kế sách của các công ty bất động sản trong giai đoạn này, lãnh đạo một công ty trên đường 2/9 (đề nghị không nêu tên) cho biết hiện tại không có sản phẩm mới để bán. Tuy nhiên để duy trì cũng như chờ đợi tín hiệu tốt thị trường, nhà đầu tư quay trở lại, công ty đang tuyển dụng nhân viên kinh doanh đã có kinh nghiệm và data khách hàng để chạy lại các sản phẩm trong giỏ hàng tồn cũng như sản phẩm ký gửi của nhà đầu tư.
“Nhưng thị trường yếu quá nên dù nhân viên đã có thâm niên lâu năm trong nghề nhiều mối khách ruột nhưng cũng rất khó để ra hàng ở thời điểm hiện nay”, anh nói
“Chân trong, chân ngoài”
Về hướng đi trong thời gian tới của doanh nghiệp, vị lãnh đạo công ty nói trên chia sẻ chiến lược của ban lãnh đạo vẫn kiên trì với ngành chủ lực là bất động sản và phát triển dự án. Ở thời điểm khó khăn này công ty đang nỗ lực tái cơ cấu lại toàn bộ máy hoạt động, tinh giảm biên chế và hoàn thiện các thủ tục pháp lý với những dự án còn dang dở.
Đối với những doanh nghiệp bất động sản lớn đang có nhiều dự án tại khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam, cũng đang nỗ lực tái cơ cấu lại toàn bộ. Giám đốc hành chính nhân sự một công ty bất động sản (xin được giấu tên) nói thị trường hiện tại rất khó khăn cho việc duy trì bộ máy khổng lồ với hàng trăm chi phí nhân sự, mặt bằng, điện nước…
Chính vì thế ban lãnh đạo đã ban hành nghị quyết về việc cắt giảm chi phí đến mức tối đa, công ty đã thỏa thuận với người lao động chấp thuận giảm mức lương, giảm giờ làm bằng cách luân phiên công việc đối với các bộ phận văn phòng. Ngoài ra, tăng mức chi trả hoa hồng và không chi trả lương với các khối kinh doanh, thanh lý hợp đồng với các mặt bằng hoạt động không hiệu quả.
Bên cạnh đó công ty cũng huy động toàn thể cán bộ nhân viên cùng chung tay vượt qua khó khăn bằng cách tham gia vào các hoạt động kinh doanh, bán hàng cùng với bộ phận kinh doanh. Tiếp tục duy trì ngành chủ lực bất động sản. Đồng thời, những dự án đã hoàn thiện cần đưa vào khai thác các tiện ích xung quanh như mở café, nhà hàng… và vận động khách hàng cho thuê nhằm thu hút sự chú ý nhà đầu tư quan tâm đến dự án hỗ trợ bán hàng.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo nói trên cho biết cũng rất khó khăn để hướng nhà đầu tư xuống tiền vì nhiều nguyên nhân như ngân hàng đóng room, tiền đã đổ vào bất động sản quá nhiều và chưa thể ra hàng được cộng với thị trường yên ắng đã làm cho nhiều nhà đầu tư dù có rất nhiều tiền vẫn phải chùn tay không dám xuống tiền.
Trong một diễn biến khác, nhiều giám đốc của các công ty bất động sản nhỏ hay còn gọi là sàn môi giới đã chọn cho mình hướng đi khác ngay từ lúc thị trường bất động sản bắt đầu lao dốc. Nhóm bất động sản G5 (gồm các chủ tịch, tổng giám đốc sàn môi giới bất động sản nhỏ) đã cùng nhau mở dịch vụ Billiard, quán ăn… cạnh các khu vực tập trung nhiều nhân viên công sở, sinh viên để tiếp tục duy trì cuộc sống.
Cựu giám đốc một sàn môi giới chia sẻ: Thời đỉnh cao của thị trường, doanh nghiệp bất động sản của anh có doanh thu hàng tháng vài chục tỷ đồng, nhân viên lên đến hàng trăm người. Để mở rộng mối quan hệ và thị trường anh đã gom tiền đầu tư làm nhà phát triển dự án, kế hoạch sẽ trở thành tập đoàn bất động sản lớn nên bao nhiêu lợi nhuận anh đắp hết vào dự án.
Thời điểm thị trường chững lại cũng là lúc dòng tiền đã cạn, ngân hàng không cho vay, dự án đang cần hoàn thiện, anh đã phải chạy vạy và bán tất cả tài sản nhằm duy trì nhưng không vực dậy nổi doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những món vay với ngân hàng và các nơi khác vẫn phải trả nên đành phải chuyển hướng qua kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải trí nhằm có nguồn tiền xoay sở, dù thu không đủ bù chi nhưng cũng không còn cách nào khác.