Theo Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô 142.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2 sàn, mới đạt 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc cả về thể chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Thực tế nhu cầu rất lớn nhưng dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân luôn khan hiếm. Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cho biết sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
“Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trên thực tế hiện nay chiếm tới khoảng 70% nhu cầu về ở thực. Trên thực tế, những khó khăn đã có giải pháp tháo gỡ. Tuy vậy, cần có sự đồng hành nhiều hơn giữa các bộ ngành và địa phương để giải quyết các vướng mắc lớn như: vấn đề bù vốn giá rẻ cần cần được xem xét để cho người dân có thể tiếp cận được; nhà ở cho công nhân cần xác định cơ chế đặc thù hơn, để công nhân có thể thuê ở các khu công nghiệp; có quỹ đất sạch và sự đồng hành của chính chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp phát triển dự án ở các khu công nghiệp”.
Đại diện một số doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế nêu thực tế về những vướng mắc lớn hiện nay cần tháo gỡ như đất sạch cho phát triển các dự án, giảm thủ tục đầu tư để tiết kiệm thời gian, chi phí, có chính sách đồng nhất thuận lợi trong việc hỗ trợ thuế… để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cơ chế, chính sách phải rõ và phải sát thực tế để đáp ứng nhu cầu nhà ở công nhân, đặc biệt là nhà ở công nhân ở các thành phố lớn như TP.HCM, Bình Dương…
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phân tích: “Tôi cho rằng, nhà ở xã hội, nhất là chính sách nhà ở cho công nhân cần xem xét lại theo hướng, phải phù hợp với thực tế đời sống công nhân nước ta. Đó là thói quen như thế nào, nhu cầu di chuyển giữa các khu công nghiệp ra sao, để xây cho thuê thay vì mua. Tóm lại cần đặt lợi ích và nhu cầu của công nhân lên hàng đầu khi thiết kế chính sách”.
Ông Bùi Hồng Minh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, tới đây, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản cần thể hiện mạnh mẽ hơn trong chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, cùng đồng hành cũng các chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh đề nghị: “Hiệp hội cần có chương trình hành động gắn với hoạt động phát triển nhà ở xã hội. Hiệp hội cần bám sát kế hoạch phát triển nhà ở, các chương trình nhà ở xã hội, xây dựng triển khai kế hoạch này một cách phù hợp với thực tế và mang tính khả thi”.
Theo VOV