Nửa năm nữa, TP.HCM chỉ còn nhà cho người giàu
Chia sẻ
Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường bất động sản cuối năm tăng trưởng thiếu khả quan, nhưng giá nhà đất tại TP.HCM vẫn liên tục tăng cao. Việc sở hữu nhà đất của đa số người dân ngày càng xa vời.
Căn hộ 2 tỷ đồng trở xuống gần như biến mất trên thị trường
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam, đưa ra thông số thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người). Trong khi đó, giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân. Cơ hội mua căn hộ 1 tỉ đồng đang dần biến mất với những người trẻ.
Trong 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ bình dân và trung cấp từ mốc 16 – 21 triệu đồng mỗi mét vuông nay đã chạm ngưỡng 25 – 36 triệu đồng. Đặc biệt, giá nhà trung cấp tại TP.HCM đã chạm ngưỡng 40 – 45 triệu đồng/m2, một số dự án 50 – 60 triệu đồng/m2.
Thống kê thực tế của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thời gian qua cho thấy, căn hộ trung cấp (2 phòng) trên thị trường hiện có giá từ 2 – 2,5 tỉ đồng (tức 35 triệu đồng/m2) tùy theo khu vực. Mức giá này cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng.
Điều đáng nói là căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỉ đồng trở xuống (25 – 30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TPHCM trong hai năm qua.
Theo HoREA, giá căn hộ, nhà đất tại TP.HCM chỉ tăng mà không giảm đến từ hai nguyên nhân chính: Quy luật cạnh tranh và cung cầu của thị trường. Giá nhà ở phụ thuộc rất lớn vào tâm thế thị trường và tâm thế các bên tại thời điểm giao dịch; phụ thuộc vào nhu cầu và mức độ cần bán hoặc cần mua. Tác động vào tâm lý khách hàng là phương thức được các chủ đầu tư và đơn vị môi giới (kể cả cò đất, cò nhà) thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ bán hàng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Việt Nam, cho rằng thị trường nhà ở tại TP.HCM đang định hình một mặt bằng giá mới. Đây là điều nguy hiểm cho người mua nhà, nhất là những người khó khăn về nhà ở. Ông Đính nói nếu thị trường cứ tiếp tục đẩy giá, chỉ khoảng nửa năm nữa, TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân đã biến mất trước đó, nên chỉ còn nhà ở dành cho người giàu.
Làm gì để người thu nhập thấp ở đô thị mua được nhà?
Trước tình hình này, HoREA vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giải pháp để kéo giảm giá nhà, đất tại TP.HCM.
Trong văn bản, HoREA cho rằng, giá thành nhà ở thương mại hiện tại cao là do các chủ đầu tư đều phải tính đến những chi phí “không tên” trong khoản chi phí dự phòng. Giá trị các khoản chi phí này không hề nhỏ, nhưng do không đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ, hợp lý của khoản chi, nên không được tính vào chi phí đầu tư dự án, nhưng cuối cùng sẽ tính vào giá bán mà người mua nhà phải gánh chịu.
Việc các chi phí “không tên” chủ đầu tư chi nhiều hay ít, tăng hay giảm phụ thuộc vào kết quả của việc Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch, có tính giải trình, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nhưng, để kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thì trước hết phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế pháp luật.
Giảm được chi phí không tên sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở. Đồng thời, từng doanh nghiệp cũng phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và nói không với tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án đầu tư
“Điều đáng quan ngại nhất là giá nhà, đất thời gian qua chỉ tăng mà không giảm, phần nhiều đến từ việc khan hiếm dự án, thiếu quỹ đất. Đặc biệt, thị trường nhà ở, chung cư có dấu hiệu bị đầu cơ, hoặc đang trong tình trạng “bong bóng”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, nhu cầu về nhà ở của người dân Việt Nam là rất lớn. Đến năm 2020, cần khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Đến nay, chúng ta đã xây được 5,2 triệu m2 nhà ở cho người dân, trong đó cho người thu nhập thấp ở đô thị là 2,8 triệu m2 và công nhân ở khu công nghiệp là 2,3 triệu m2, đáp ứng 41,5% nhu cầu.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói, hiện cơ cấu nhà ở đô thị có diện tích nhỏ và giá dưới 1 tỷ đồng rất khan hiếm, Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ hỗ trợ nhà ở giá thấp có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán đến 15 triệu đồng/m2.
Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, có thể hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội. Khi đó người thu nhập thấp ở đô thị mới mong mua, thuê được nhà ở giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính.
Huy Thuận