Thủ Đức phải là trung tâm kinh tế, không phải nơi mua bán bất động sản
Chia sẻ
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam chia sẻ về tiềm năng phát triển của thành phố Thủ Đức (hiệu lực thành lập từ ngày 1/1/2021), cũng như tác động của mô hình thành phố trong thành phố tới lĩnh vực bất động sản.
Thành phố Thủ Đức đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn, lực đẩy kinh tế của thành phố mới này đối với các tỉnh phía Đông và sự phát triển chung sẽ như thế nào, thưa ông?
– Việc triển khai thành phố trong thành phố để đạt được kỳ vọng là đóng góp vào ngân sách TP.HCM cũng như ngân sách quốc gia, bài toán về nguồn lực và năng lực tài chính cần được làm rõ. Điều này nhằm để chúng ta hiện thực hóa nó thay vì chỉ đổi tên từ quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức và sáp nhập các quận với nhau.
Năng lực đầu tư vào thành phố Thủ Đức rất quan trọng, gồm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội. Ngoài ra, kinh tế đô thị cũng là bài toán lớn, phải làm sao để người dân tập trung về đây có thể sống và làm việc, chứ không phải cứ đổi tên thì nơi đó sẽ trở thành đô thị.
Đô thị đó phải giải quyết được bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo được tính liên kết vùng giữa Thủ Đức và các tỉnh lân cận. Cuối cùng là năng lực triển khai, thực hiện và giám sát ngân sách như thế nào.
Nếu chúng ta thực hiện được những điều này, sẽ là cú hích lớn của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, thúc đẩy phía Đông TP.HCM trở thành thành phố năng động, đóng góp vào nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, kỳ vọng đóng góp của thành phố Thủ Đức cho quốc gia là câu chuyện phía trước mà chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Chúng ta đang có những hoạch định về cơ cấu dân sự, nguồn lực…, để đạt được những kỳ vọng trên, chúng ta cần nguồn lực lớn và quyết tâm trong việc giám sát và thực thi.
Bình Dương là một trong những tỉnh thành có nhiều thành phố ở Việt Nam, chứng tỏ khả năng thu hút vốn đầu tư, thu hút được người dân về sinh sống học tập và làm việc của địa phương này rất tốt.
Trong trường hợp chúng ta chưa sẵn sàng về mọi thứ thì việc xây dựng đô thị cần phải cân nhắc. Trước đây chúng ta kỳ vọng Thủ Thiêm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM, nhưng đến nay chúng ta đã mất hơn 20 năm. Đây là bài học lớn cần phải lưu ý.
Sẽ có những tiêu cực liên quan đến lĩnh vực bất động sản, do đó, để có thể phát triển đô thị và đạt được kỳ vọng, việc minh bạch trong ngân sách, triển khai cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực, năng lực tài chính vào Thủ Đức rất quan trọng. Đó cũng là thử thách đối với chính quyền của Thủ Đức cũng như của TP.HCM.
Năng lực của Thủ Đức sẽ phải như thế nào để có được những đột phá về kinh tế, đô thị như ông vừa nói?
– Điều này còn tùy thuộc vào quyết tâm của các cơ quan ban ngành trong việc thực thi những chủ trương đã đề ra. Nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành là làm sao đưa Thủ Đức lên thành trung tâm kinh tế, để doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy được cơ hội để đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, chứ không chỉ là xây dựng con đường và bán bất động sản, cũng không phải để người dân mua bất động sản để bán lại.
Phải làm sao để Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ để người dân có thể về đó sinh sống và làm việc, có đồng lương thu nhập.
Chúng ta đã giải quyết được bài toán cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vì gần như đây là những yếu tố có sẵn và chỉ cần phát triển lên. Bài toán khó nhất là về kinh tế, thu nhập bình quân.
Tại TP.HCM, GDP bình quân đầu người mỗi năm vào khoảng 3.000-4.000 USD, bài toán đặt ra là thu nhập bình quân của người dân khi về Thủ Đức sinh sống sẽ là bao nhiêu. Cụ thể hơn, nếu người chồng hoặc người vợ làm việc ở TP.HCM, người còn lại làm tại Thủ Đức thì công việc ở đâu ra? Thu nhập như thế nào?
Đây chính là bài toán lớn mà khi làm quy hoạch, chúng ta phải lưu ý. Cần phải liên kết đến vấn đề về kinh tế ngoài quốc doanh để thúc đẩy nội lực của Thủ Đức như kỳ vọng..
Theo ông, đây có phải là thời điểm thích hợp nhất cho việc hình và xây dựng mô hình thành phố trong thành phố tại TP.HCM hay không?
– Tôi cho rằng, xây dựng được một đô thị là câu chuyện của nhiều thế hệ, nó phải mang tính kế thừa. Một nhiệm kỳ lãnh đạo là 4-5 năm, thì tính kế thừa để tiếp nối những định hướng, của nhà nước, của những người đi trước là điều cần thiết.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải nhìn xa ra những thành phố khác, chẳng hạn như Paris, Vancouver, Tokyo, Seoul,… đều là những đô thị được phát triển dựa trên tính kế thừa trong nhiều năm.
Về vấn đề thời điểm, với tốc độ phát triển, đô thị hóa của Việt Nam nói chung và TP.HCM, Hà Nội nói riêng, tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tạo ra những đối trọng trong những thành phố với nhau.
Nhưng đây là câu chuyện của 20 năm, 30 năm,… và phải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, mang tính kế thừa và xuyên – suốt. Nếu không mang tính kế thừa, chắc chắn sẽ xuất hiện những trở ngại cho người làm kinh doanh ở từng thời điểm.