Doanh nghiệp tuần qua: Hòa Phát chuyển nhượng 10 công ty con, Hà Đô bán 250 tỷ đồng trái phiếu…
Chia sẻ
Đất công Vinafood 2 đang giữ bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi
Tổng Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản số 2099/BC-TTCP báo cáo kết luận thanh tra và kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP.HCM thu hồi khu đất công tại số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) đang bị Công ty THHH MTV – Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thâu tóm.
Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra toàn diện hoạt động cấp tín dụng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay và các khoản vay liên quan đến việc sử dụng Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB971073 ngày 11/9/2010 của 4 cơ sở nhà, đất nói trên và xử các lý nghiêm vi phạm nêu tại kết luận này đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ chỉ đạo Vinafood 2 kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đúng quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với Công ty TNHH TM Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân thực hiện trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng khi chuyển dịch khu đất công nói trên cho tư nhân trái luật, trái thẩm quyền.
Năm 2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác góp vốn với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân do ông Đinh Trường Chinh làm đại diện pháp luật) thành lập Công ty TNHH Thương mại -Xây dựng – Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án bất động sản trên với tỷ lệ Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng (chiếm 80% vốn), 20% vốn còn lại (160 tỷ đồng) do Vinafood 2 đóng góp bằng giá trị tài sản trên đất và 1 phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa hoàn tất công tác đền bù và liên tục bị Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm.
Tập đoàn Hà Đô chào bán 250 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) vừa thông qua kế hoạch chào bán 250 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Đợt đầu có giá trị 210 tỷ đồng, thời hạn 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực, đợt hai giá trị 40 tỷ đồng vào quý I và II năm nay.
Trái phiếu HDG có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,25%/năm cho toàn bộ kỳ hạn. Hà Đô dự kiến sử dụng 210 tỷ đồng huy động trong đợt đầu để đầu tư dự án nhà máy điện gió số 7A, tỉnh Ninh Thuận. 40 tỷ đồng huy động trong đợt hai để bổ sung vốn thực hiện dự án nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 thuộc sở hữu của Công ty Năng Lượng Agrita – Quảng Nam.
Trong năm 2020, Hà Đô đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, với lãi suất 10,5%/năm. Mới đây doanh nghiệp này tái khởi động dự án Hado Dragon City với tên mới là Hado Charm Villas sau hơn 10 năm tạm dừng.
Đến hết quý III năm 2020, Hà Đô đạt doanh thu 3.830 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 962 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Hà Đô đang hoạt động trong 4 lĩnh vực: bất động sản, năng lượng, xây lắp và thương mại dịch vụ. Cổ phiếu HDG đang giao dịch trên sàn HoSE, chốt phiên giao dịch ngày 8/1, có giá 43.200 đồng/cp.
Hòa Phát dự kiến chuyển nhượng 10 công ty con
HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa thông qua 4 nghị quyết chuyển nhượng 10 công ty con theo chiến lược tái cơ cấu tổ chức hoạt động.
Trong đó, HPG dự kiến chuyển nhượng toàn bộ hơn 3,9 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Nội thất Hòa Phát, tương đương 99,6% vốn điều lệ; chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát và Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát.
Hòa Phát cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con là Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát và Công ty TNHH Tôn Hòa Phát; chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 5 đơn vị là Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, Công ty TNHH Chế tạo kim loại Hòa Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản An Thông.
Tập đoàn Hòa Phát sẽ thành lập 4 tổng công ty trực thuộc bao gồm: Tổng công ty Gang Thép, Tổng công ty Ống thép và Tôn mạ màu, Tổng công ty Phát triển Nông nghiệp và Tổng công ty Phát triển Bất động sản. Các tổng công ty này sẽ quản lý trực tiếp các công ty con của Hòa Phát.
Đến hết quý III tháng năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát lần lượt đạt 64.340 tỷ đồng và 8.845 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng mức 40,8% và 56,4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, doanh nghiệp này đã hoàn thành 74% kế hoạch về doanh thu và 98% kế hoạch về lợi nhuận.
Cổ phiếu HPG đóng cửa phiên 8/1 ở mức giá 42.750 đồng/cp. Giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 140.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu Thuduc House giảm mạnh sau khi bị truy thu thuế gần 400 tỷ đồng
Mã TDH của Nhà Thủ Đức mất 6,8% thị giá tại phiên giao dịch cuối tuần. Với hơn 112 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Thuduc House bị thổi bay trên 73 tỷ đồng.
Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 8/1, cổ phiếu TDH nằm ở mức 8.900 đồng/cổ phiếu, giảm 650 đồng, tụt 6,81% – mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm của mã này.
Khi thông tin Thuduc House bị truy thu thế được công bố, tại phiên giao dịch ngày 31/12, mã TDH giảm 6,9%. Đến phiên ngày 5/1, mã TDH tăng 5,6%, ghi nhận thanh khoản cao nhất lịch sử 14 năm giao dịch.
Nhưng 3 phiên giao dịch kế tiếp, mã THD suy giảm kéo dài, phiên sau giảm mạnh hơn phiên trước. Sau 3 phiên giảm liên tiếp, mất tổng cộng 1.070 đồng, Thuduc House bị hụt gần 120,5 tỷ đồng vốn hóa.
Thuduc House bị cục Thuế TP.HCM xác định có hành vi sử dụng hóa đơn ảo từ các công ty ma nhằm mục đích trốn thuế. Theo kết luận thanh tra của Cục Thuế TP.HCM, từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019, Thuduc House đã trục lợi số tiền thuế của nhà nước hơn 221 tỷ đồng. Do vậy, Cục Thuế TP.HCM quyết định thu hồi số tiền thuế giá trị gia tăng đã hoàn cho Thuduc House là 221 tỷ đồng và thu số tiền chậm nộp 37 tỉ đồng.
Cơ quan thuế cũng truy lại kỳ tính thuế 2017 và 2018 và ban hành quyết định thu hồi số tiền thuế giá trị gia tăng đã hoàn trong giai đoạn này là 109,8 tỷ đồng và thu số tiền chậm nộp hơn 27 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền truy thu và tiền chậm nộp là 396,5 tỷ đồng.
Khu du lịch tâm linh Lạc Thủy không được liên doanh với nước ngoài
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ban hành kết luận thanh tra UBND tỉnh Hòa Bình trong công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng.
Theo đó, Thanh tra Bộ yêu cầu UBND tỉnh này điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đảm bảo đúng quy định về quốc phòng, an ninh, đối với dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy (quy mô đầu tư 3.038 tỷ đồng) có nội dung “kinh doanh bất động sản” đối với đất có mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng.
Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy có diện tích 120ha, công suất phục vụ khách khoảng 5.000 khách/ngày,đêm. Đây là khu sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn cao phục vụ khách tham quan du lịch; xây dựng không gian trưng bày, quảng bá văn hóa, truyền thống lịch sử và các nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói riêng…
Trước đó, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình trả lời về việc xin ý kiến địa điểm, ranh giới và nội dung đầu tư xây dựng dự án. Theo đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình về địa điểm quy hoạch và sử dụng khu đất có diện tích khoảng 121,59ha tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy để thực hiện dự án.
Bộ Quốc phòng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư không được liên doanh, liên kết với nước ngoài (cả Việt kiều); không được sử dụng lao động là nước ngoài để thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thực hiện nghiêm các quy định trong triển khai dự án.