Doanh nhân Lý Xuân Hải nêu 3 giải pháp phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19
Chia sẻ
Theo ông Lý Xuân Hải, điều tốt nhất cho kinh tế lúc này là đừng bàn về chuyện phục hồi, thay vào đó, cần quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, duy trì không làm đứt gãy chuỗi cung ứng với điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn tránh lây lan dịch bệnh.
Mới đây, trên trang cá nhân, doanh nhân Lý Xuân Hải, cựu CEO ngân hàng ACB, chủ tịch Công ty Cổ phần Tơ Lụa Bảo Lộc đã chia sẻ một số giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế trong mùa dịch Covid-19.
Ông Lý Xuân Hải cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải đảm bảo an sinh xã hội. “Đây là hoạt động bắt buộc và bằng mọi giá. Không có an sinh, gây bất ổn xã hội thì chả có kinh tế nào tồn tại. Nhà nước cần chi tiền cho tất cả những người không còn thu nhập đang đói khát đảm bảo mức tối thiểu. Thà chi thừa còn hơn bỏ sót”, ông nhấn mạnh.
Thứ hai, cần đảm bảo tránh lây lan. Theo ông Lý Xuân Hải, tránh lây lan là mục đích, 5K là các biện pháp chống lây nhiễm. Các quyết định, giải pháp cần được cân nhắc đánh giá khả năng lây lan một cách khoa học chứ không cảm tính. Nhất là khi liên quan đến dân sinh và chuỗi cung ứng. Bài học kinh nghiệm các nước bị bùng dịch có nhiều để Việt Nam “copy – paste”.
Thứ ba, phải đảm bảo chuỗi cung ứng. “Đây là cách tốt nhất đảm bảo an sinh xã hội và duy trì nền tảng tăng trưởng kinh tế”, ông Hải cho hay.
Cựu CEO ngân hàng ACB cho rằng chuỗi cung ứng là mạng lưới kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các nhà cung cấp của họ và hệ thống phân phối để cung cấp hàng hoá dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng. Chuỗi cung ứng với nền kinh tế như như hệ thống mạch máu với cơ thể. Làm đứt gãy 1 khâu là đủ làm hỏng cả chuỗi. Đứt gãy nó thì nền kinh tế khó hồi phục.
Theo ông Lý Xuân Hải, thời gian qua, việc duy trì chuỗi cung ứng có nhiều bất cập. Đơn cử như việc lưu thông hàng hoá liên tỉnh bằng xe tải, mỗi tỉnh thành một chính sách làm cắt nát chuỗi cung ứng, hạ thấp hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia.
Ông đề ra giải pháp: “Chúng ta cần có một Bộ tổng chỉ huy, một Chính sách, một Đầu mối phân bổ nguồn lực để chống dịch: Chính phủ. Yêu cầu mỗi tỉnh, thành bố trí các điểm tập kết (kiểu chợ đầu mối) đón nhận hàng hóa các nơi mang về. Sau đó sử dụng hệ thống xe tải địa phương chuyển về các chợ, các điểm bán lẻ. Tất nhiên phải đảm bảo 5K bằng cách yêu cầu tất cả các tài xế chỉ ngồi trên xe hay đeo khẩu trang, chống giọt bắn đứng cách 2-3m khi hạ, dỡ hàng”.
Về vấn đề shipper, theo ông Lý Xuân Hải, cần mạnh dạn tiêm vắc xin cho shipper để họ hoạt động trở lại và không tạo rào cản nữa. Mỗi chung cư, khu phố nên có shipper riêng. Thực tế tại các quốc gia chống dịch khá tốt như Trung Quốc và Singapore, lực lượng shipper thực hiện chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất vận chuyển hàng hoá từ các điểm bán lẻ đến người tiêu dùng.
Ông Lý Xuân Hải cũng cho rằng, việc chỉ cho các siêu thị, vốn chỉ đáp ứng 30% sức mua, được bán hàng là không phù hợp. Hãy đế tất cả các cửa hàng bán lẻ, các chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tất nhiên với yêu cầu đảm bảo 5K. Hiện nay hệ thống siêu thị chưa thể thay thế hoàn toàn tiệm tạp hoá và chợ.
Việc sử dụng quân đội, công an đi giao hàng là đang làm lãng phí nguồn lực. Lực lượng quân đội và công an nên tập trung giám sát tuân thủ 5K tại các điểm nóng như chợ đầu mối, siêu thị, các điểm giao nhận của shipper, đảm bảo an ninh… và vận chuyển những loại hàng hoá đặc biệt. Còn hãy để shipper đi giao hàng.
Tình trạng thiếu hàng hoá cục bộ và tăng giá vô lý vẫn diễn ra trước mỗi lần nâng cấp dãn cách xã hội. Vì vậy, cần có các định hướng minh bạch và có tính dự báo để người dân biết trước dự phòng và tiên liệu, không gây sốt mua sắm tích trữ và bất an tư tưởng.
Vấn đề cuối cùng, theo ông Lý Xuân Hải, không nên cắt nghĩa cứng nhắc thế nào là “hàng thiết yếu” bởi đã có nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến nó. Ông cho rằng, tất cả hàng hoá được phép lưu thông, mua bán và nguyên phụ liệu đều là thiết yếu. Bởi chúng nằm trong chuỗi cung ứng chung. Chặn một thứ là chặn nguyên chuỗi cung ứng.