ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

6 cây cầu dây văng hiện đại giúp dân miền Tây khỏi lụy phà

Chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Đây là cây cầu dây văng thứ 6 kết nối những cung đường miền Tây giúp người dân nơi đây không còn phải lụy phà.

Cầu Rạch Miễu 2

Theo quy hoạch, tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5km; bắt đầu từ vị trí giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc địa phận huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, sau đó đi theo Đường tỉnh 870 và vượt sông Tiền (cầu Rạch Miễu 2), đi qua và kết nối cồn Thới Sơn, vượt sông Mỹ Tho và đi theo tuyến mới, giao cắt với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre.

Cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền bề rộng cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng; cầu vượt sông Mỹ Tho bề rộng đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu dầm liên tục.

Dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng mức đầu tư 5.175,45 tỷ đồng.

Cầu Rạch Miễu

Là công trình do các công ty Việt Nam đầu tư, thiết kế, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, nối liền TP Mỹ Tho (Tiền Giang) với tỉnh Bến Tre. Nằm trên quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu tạo ra trục tam giác liên hoàn, nối Bến Tre với các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, đưa Bến Tre xích gần với TP.HCM, mở ra hướng giao lưu kinh tế quan trọng, thúc đẩy địa phương khai thác tiềm năng và thế mạnh.

Cầu Rạch Miễu khởi công ngày 30/4/2002, hoàn thành ngày 19/1/2009, có tổng chiều dài 8.330m (gồm nhịp chính dài 2.860m và các đường dẫn lên cầu. Cầu rộng 15m, cao 150m, nhịp chính dài 117m. Nhà thầu là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 5 và 6 (Bộ Giao thông vận tải). Tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận

Là cây cầu dây văng đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nối kết thuận lợi giữa Tiền Giang, Vĩnh Long với các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cầu nằm trên quốc lộ 1A là trục giao thông chính kết nối trực tiếp với TP.HCM mà không cần phải đi theo đường thủy, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ngoại giao trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Với kiểu dáng kiến trúc hiện đại, cầu Mỹ Thuận còn tạo nên cảnh đẹp trên vùng sông nước miền Tây của Tổ quốc.

Cầu Mỹ Thuận khởi công ngày 6/7/1997, hoàn thành ngày 21/5/2000. Cầu dài 1.535m, cao 116,5m, rộng 23,66m, gồm 22 nhịp (nhịp chính 350m), với 4 làn xe cớ giới và 2 lề bộ hành. Nhà thầu là Baulderstone Hornibrook và Cienco 6. Tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chương trình AusAid của chính phủ Australia góp 66% và chính phủ Việt Nam là 34%.

Cầu Cần Thơ

Là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m), cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long. Cầu Cần Thơ tăng cường sự thông thương thuận lợi giữa TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nam Bộ, trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh khu vực phía Nam sông Hậu gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là công trình giao thông tạo thêm vẻ đẹp hiện đại cho miền Tây Nam Bộ.

Cầu Cần Thơ khởi công ngày 25/9/2004, hoàn thành ngày 24/4/2010. Cầu dài 15.850m (nhịp chính dài 550m), rộng 23,1m, cao 175,3m gồm 4 làn xe cớ giới và 2 lề bộ hành. Nhà thầu là Tập đoàn Taisei, Kajima, Nippon Steel. Tổng mức đầu tư 4.832 tỷ (thời điểm 2001, tức khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Cầu Cao Lãnh

Là cây cầu dây văng lớn thứ hai sau cầu Mỹ Thuận được xây dựng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh với huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu Cao Lãnh góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối trục thứ 2 Bắc – Nam là đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau.

Cầu Cao Lãnh khởi công ngày 19/10/2013, hoàn thành ngày 27/5/2018. Cầu dài 2 015m (nhịp chính 350m), rộng 24,5m, cao 123m. Nhà thầu: Cuu Long CIPM, CRBC và Vinaconex E&C. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Cầu Vàm Cống

Là cây cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp, cầu Vàm Cống giúp hình thành hệ thống giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Cầu Vàm Cống là một trong hai cây cầu dây văng lớn nằm trên tuyến đường Mỹ An – Rạch Sỏi, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây. Đây là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông.

Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10/9/2013, hoàn thành ngày 19/5/2019. Cầu dài 2 970m (nhịp chính 550m), rộng 24,5m, cao 150m. Nhà thầu là GS Engineering & Construction, Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd, Cienco 1. Tổng mức đầu tư hơn 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.

Bản Nhân

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments