Thực ra, việc hình thành và phát triển ý tưởng trang trí là hệ thống chuỗi công việc vừa mang tính nghệ thuật vừa đòi hỏi kỹ thuật, mà tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình có thể xử lý tương ứng, và có sự liên hệ nhất định với sinh hoạt văn hóa của mỗi gia đình. Ví dụ như những người theo Công giáo sáng tạo hang đá, cây thông giáng sinh hàng năm, hay những nghệ sỹ trang hoàng, cúng tổ nghề sân khấu… đều là hoạt động mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh trước khi có ý nghĩa về sử dụng hay nghệ thuật.
Hình thành ý tưởng trang trí cần bắt đầu từ xử lý hiện trạng, xem xét lại toàn bộ không gian để nhận định đúng đắn các điểm ưu khuyết, từ đó đề ra mục tiêu cho việc trang trí nhà cửa. Nghe khái niệm “mục tiêu” có vẻ to tát, nhưng thực ra các chuyên gia trong nghề đều hay khuyên gia chủ nên gạch đầu dòng rõ ràng mục tiêu mà mình cần đạt, tránh những suy nghĩ chung chung theo kiểu của giới câu view, câu like hiện nay trên mạng xã hội như “căn phòng thu hút mọi ánh nhìn”, hay “màu trắng tinh khiết vạn người mê”!
Những dấu ấn được “sinh ra” bởi ngôn từ của truyền thông và giới ưa check-in địa điểm chưa chắc là điều mà một không gian sống đích thực hướng tới. Bàn và kệ bếp là để nấu và soạn đồ ăn, bàn viết là để làm việc, quầy bar là để pha chế và ngăn chia không gian… trước hết là vậy, cần chi to tát ngôn từ!
Khi có được yêu cầu, mục tiêu rõ ràng, cụ thể, là chỗ nào cần làm gì, kinh phí dự trù bao nhiêu, thì việc quyết định chọn lựa vật dụng, giải pháp trang trí thế nào mới có thể “chốt hạ” được. Nói cách khác, khâu khảo sát, đánh giá hiện trạng ban đầu, dù là trong chính ngôi nhà của gia chủ đã và đang sống, vẫn luôn cần thiết và giữa vai trò “nhập dữ liệu” để từ đó các quyết định trang trí mới giữ được ý niệm xuyên suốt. Khá nhiều gia chủ hay có suy nghĩ đơn giản hóa vấn đề, thôi thì dọn dẹp chút xíu, kê lại chỗ này, xếp lại chỗ kia… mà không nhận thấy sự lãng phí thời gian và công sức nếu không xây dựng một ý tưởng xuyến suốt và cơ bản.
Ở góc độ chuyên môn, nhiều nhà thiết kế khi tư vấn hoặc cùng khách hàng của mình “đi chợ” nội thất đã có sự hình dung trước không gian đó cần giải pháp xử lý tương ứng ra sao, cho nên yếu tố hài hòa và phong cách nội thất, dù là nội thất lâu dài hay nội thất theo sự kiện ngắn hạn vẫn phải tương ứng với không gian. Điều này luôn cần được ưu tiên chú trọng hơn là sự độc đáo hay giá cả cao thấp.
Một bộ bàn ghế hấp dẫn, vài bức tranh có gu khi được đặt để đúng chỗ, được khách đến nhà công nhận “trông hợp đấy” sẽ thể hiện phần nào văn hóa sống có sự cộng hưởng, tương tác giữa nhiều người, không đơn thuần là một trang trí độc lập, dị biệt. Thực tế đã có không ít trường hợp nhà sau khi xây dựng phần cứng – tức là không gian, dây chuyền sử dụng – khá ổn nhưng phần mềm – bao gồm phụ kiện nội thất, đèn trang trí, vật dụng – bị “lệch pha” với không gian, việc trang trí do đó sẽ góp phần cho hoàn thiện thêm ý tưởng thiết kế ban đầu.