Trình quy hoạch TP Thủ Đức lên Thủ tướng phê duyệt trong quý 2/2021
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 do Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố lập.
Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch
Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo, trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung các trung tâm logistics theo Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đã được phê duyệt.
Nghiên cứu bổ sung khu đất để đầu tư xây dựng Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Nghiên cứu bổ sung khu đất để đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghiệp dược.
Nội dung nghiên cứu lập khu ứng dụng công nghệ cao cần thể hiện tầm nhìn cụ thể, thương mại hóa để có thể chuyển tải thành sản phẩm đi vào thực tế; định hướng phát triển thành khu thương mại công nghệ cao.
Định hướng quy hoạch hệ thống sử dụng năng lượng thông minh, hệ thống viễn thông và tổ chức hạ tầng số. Chú trọng quy hoạch phát triển đô thị dọc theo tuyến metro và xung quanh nhà ga.
Quy hoạch Đại học Quốc gia TP.HCM theo mô hình không gian mở, mời gọi các trường đại học quốc tế tham gia đầu tư. Rà soát tính khả thi của Khu giáo dục đào tạo đại học tại phường Long Phước, đề xuất định hướng phù hợp.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu trình UBND TP.HCM, để kịp báo cáo HĐND TP.HCM tại kỳ họp sắp tới.
Sau khi HĐND TP.HCM có ý kiến, hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ hoàn chỉnh, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong quý 2 năm nay.
Quy hoạch tính cho mức dân số 3 triệu người
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 23/3, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã đã báo cáo về nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, quy hoạch chung TP Thủ Đức với định hướng đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng phát triển kinh tế – xã hội – môi trường gắn liền với kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.
Đồng thời, nâng cấp, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu (ngoài tám trọng tâm sáng tạo), đảm bảo gắn kết, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
TP Thủ Đức được quy hoạch thành khu vực phát triển đô thị sáng tạo, giữ vai trò quan trọng và hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP.HCM, vùng TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP.HCM sẽ thiết lập cơ chế chính sách để quản lý, thu hút đầu tư, xây dựng kế hoạch thực thi và lộ trình thực hiện các dự án tầm vĩ mô (như giao thông công cộng, các trung tâm sáng tạo) và các cấp độ thấp hơn (công viên khu ở, thảm cây xanh và mặt nước, các khu nhà ở giá rẻ).
Hiện dân số thường trú tại TP Thủ Đức hơn 1 triệu người, đến năm 2030 đạt mức 1,5 triệu người, năm 2040 đạt từ 1,9-2,2 triệu người, năm 2060 đạt mức 3 triệu người. Quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
___________
Bài liên quan
TP.HCM đưa nhiều giải pháp phát triển TP Thủ Đức