ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

TP.HCM đưa nhiều giải pháp phát triển TP Thủ Đức

Chia sẻ

> Đề án công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại I phải qua 10 bước

TP.HCM đặt ra nhiều giải pháp để tăng tốc đưa Thành phố Thủ Đức đạt mục tiêu phát triển kinh tế sáng tạo, liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TP.HCM xác định, bằng cách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm tài chính, Thành phố Thủ Đức sẽ hình thành được nguồn nhân lực tiên tiến, tăng cường kết nối để tạo cơ hội mới, cân bằng phát triển với môi trường thiên nhiên, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thông minh.

Quy hoạch rõ ràng, lành mạnh để thu hút nhà đầu tư

Trong nhóm giải pháp về quản lý, đáng chú ý có việc xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt lập và phát triển dự án tổng thể và các dự án thành phần đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM. Bộ máy này có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi tính nhiệm kỳ.

Thành phố Thủ Đức

Mô hình quản lý được xác định là công việc quan trọng giai đoạn 2020 – 2025, đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công của khu đô thị sáng tạo. Mô hình này thực hiện các giải pháp đối mới quản lý nhà nước trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính.

Ngoài ra, còn có việc xây dựng hệ thống quỹ đất thuộc sự quản lý của nhà nước, nhằm duy trì cơ chế cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thời hạn thuê 20 – 25 năm. Thành phố khuyến khích việc phát triển thông qua cơ chế thưởng hệ số sử dụng đất đối với đất không thuộc quản lý của nhà nước.

Trong nhóm giải pháp về quy hoạch và thực thị quy hoạch, TP.HCM sẽ duyệt và công khai đồ án quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức. Đồng thời thực hiện quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Theo Quyết định số 202/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký: “Các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 sẽ có thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường và cụ thể nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư”.

Thành phố sẽ lập chương trình phát triển đô thị tổng thể và lập các dự án phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo ở cấp độ tổng thể và dự án thành phần. Làm rõ nguồn lực tài chính huy động trong từng thời điểm (theo mốc thời gian) và gắn với mục tiêu phát triển quy hoạch.

Bảo đảm sử dụng đất đai hợp lý

Về giải pháp quản lý đất đai, tài sản đô thị, TP.HCM sẽ rà soát, đánh giá, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung. Việc này nhằm quản lý các nguồn lực đất đai, tài nguyên môi trường, cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư trên địa bàn 3 quận.

TP.HCM ưu tiên thực hiện trước việc thống kê hiện trạng đất công, kênh rạch, giao thông, bến bãi logistics, công trình kiến trúc trên 5 tầng và cơ sở sản xuất.

“Thành phố sẽ lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đảm bảo sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, phù hợp điều kiện thực tế và định hướng phát triển đô thị sáng tạo tại khu vực”, Quyết định nêu rõ.

TP.HCM phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung trên nền tảng GIS dùng chung

Đối với các công trình hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao), thành phố nghiên cứu lập đề án phát triển ngành theo định hướng chung về phát triển đô thị sáng tạo gắn với chương trình chuyển đổi số của thành phố. Đăng ký kế hoạch đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng xã hội (tương đương hoặc cao hơn so với các khu vực nội thành hiện hữu).

Thành phố cũng lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển cây xanh trên địa bàn, đặc biệt là các công viên trong các dự án phát triển đô thị và nhà ở. Thực hiện các công viên ven sông rạch theo quy hoạch.

Vận tải công cộng đáp ứng 60% nhu cầu của người dân

Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu trung tâm đổi mới sáng tạo, TP.HCM đề ra mỗi một trọng điểm sáng tạo, có một chính sách khác nhau để giải quyết từng mục tiêu khác nhau. Thành phố tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có để giảm thiểu thời gian xây dựng, tập trung vào mục tiêu chính là xây dựng các hệ sinh thái sáng tạo.

Trong quá trình đó, các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục xây dựng theo quy hoạch. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua việc thu hồi giá trị đất.

Trong nhóm giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng, TP.HCM cho lập danh mục, kế hoạch và khái toán đầu tư các công trình hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% – 60% nhu cầu đi lại của người dân khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố đến năm 2040, mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Theo Quyết định nói trên: “Trong giai đoạn trước mắt, thành phố nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành. Nâng cao tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực từ 10% lên 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2025”.

Ngoài ra, thành phố phát triển mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, buýt đường sông,…) để
điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn.

______________________

TP.HCM đề ra nhiều giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư. Theo đó, thành phố xây dựng chính sách tổng thể về tài chính đô thị dựa trên những mục tiêu quy hoạch và phát triển hạ tầng, xây dựng chiến lược đầu tư và kỳ vọng phát triển kinh tế, tài chính trong tổng thể 2021 – 2040.

Thành phố cân bằng tài chính trong mỗi giai đoạn 5 năm và dự báo đóng góp tăng trưởng của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố vào GRDP của TP.HCM trong từng giai đoạn 5 năm.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments