Xu hướng phát triển nhà ở của TP.HCM
Chia sẻ
TP.HCM vừa công bố đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2011 – 2020, những khó khăn vướng mắc và xu hướng phát triển nhà ở trong tương lai.
Kết quả đạt được
Việc phát triển nhà ở của TP.HCM được cho rằng cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhà ở theo sự gia tăng dân số của Thành phố. Trong vòng 10 năm (2009 – 2019) dân số TP.HCM tăng thêm 1.845.261 người (nguồn niên giám thống kê Thành phố), diện tích nhà ở bình quân đầu người vẫn tăng từ 16,6 m2/người năm 2009 lên 20,1 m2/người năm 2019.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng thêm cho thấy nhu cầu về nhà ở của dân số tăng thêm được đáp ứng và còn góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu.
Chất lượng nhà ở cũng được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu nhà ở chuyển dịch từ nhà ở bán kiên cố sang nhà ở kiên cố (từ 20,4% năm 1999 lên 37,6% năm 2016), giảm mạnh nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ (từ 16% năm 1999 còn 2% năm 2016).
Đến năm 2019, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, TP.HCM có 99,28% nhà ở kiên cố, 0,72% nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ. Điều này cho thấy chất lượng nhà ở của thành phố đang ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Bên cạnh đó, các khu đô thị mới hình thành tương đối hoàn chỉnh với hạ tầng khá đồng bộ. Phát triển nhà ở theo dự án có quy mô và đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật, nhiều khu nhà mới khang trang trên địa bàn đã được xây dựng, hình thành các khu đô thị mới, đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Sala,…
Nhà ở phát triển đa dạng về kiểu dáng, không gian kiến trúc cũng như nâng cao tính thẩm mỹ về nội thất và ngoại thất. Nhà ở thấp tầng và nhà chung cư có kiến trúc đẹp, hiện đại, hạ tầng và công năng hoàn chỉnh.
TP.HCM có xu hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng và giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng trong các dự án. Phát triển mạnh nhà ở chung cư là kết quả đạt được từ việc định hướng thay đổi cơ cấu dự án từ thấp tầng sang cao tầng của Chính phủ và của Thành phố.
Giai đoạn 2011 – 2015 nhà ở chung cư cao tầng chiếm tỷ lệ 90,6 % trong tổng quy mô căn hộ của dự án; giai đoạn 2016 – 2019 tỷ lệ này là 91,4%, tỷ lệ này có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai.
Việc xây dựng nhà ở chung cư là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn. Nhà ở chung cư thường có giá thấp hơn so với nhà ở thấp tầng (tương đồng cùng vị trí) vì vậy người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với mức giá của nhà chung cư hơn nhà thấp tầng. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở chung cư giúp tiết kiệm quỹ đất ở của thành phố. Vì vậy việc phát triển mạnh nhà ở chung cư tại các dự án là một kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 10 năm trở lại đây.
Giai đoạn từ năm 2016 – 2019 được đánh giá là thời kỳ nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ. Trong vòng 4 năm, có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,15 triệu m2 sàn, chiếm 3,5% tổng lượng nhà ở phát triển mới của thành phố trong giai đoạn này.
Số lượng các căn hộ hoàn thành chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội. Tuy nhiên đã giải quyết không nhỏ nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn Thành phố.
Khó khăn, vướng mắc
Tuy có thời gian phát triển mạnh, nhưng TP.HCM vẫn thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân, văn phòng kết hợp lưu trú.
Nguồn cung loại hình nhà ở cho thuê cũng thiếu, do người dân coi trọng sở hữu nhà ở. Khả năng chi trả về nhà ở cho thuê, nhu cầu nhà ở cho thuê là rất lớn nhưng hiện nay nguồn cung các dự án nhà ở cho thuê hầu như chưa có.
Việc cải tạo, xây dựng mới nhà ở thay thế chung cư cũ, di dời các hộ dân trên và ven kênh rạch vẫn còn hạn chế trong thời gian gần đây.
Hiện các khu đô thị mới hiện đại đã hình thành và tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ hạ tầng, tiện ích trong phạm vi dự án. Tuy nhiên hạ tầng khu vực chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn đến quá tải về hạ tầng chung.
Tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao, tuy nhiên tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở, vì vậy xảy ra tình trạng quá tải.
Việc quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau xây dựng còn hạn chế. Do nhận thức một số chủ sở hữu chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu căn hộ trong công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở của tòa nhà dẫn đến còn nhiều bất cập.
Xu hướng phát triển nhà ở
Dự báo, TP.HCM tiếp tục phát triển nhà ở hộ gia đình dân tự xây do nhận thức người dân vẫn muốn sở hữu nhà ở. Nhà ở chung cư tiếp tục phát triển mạnh, nhà ở thấp tầng trong các dự án phát triển nhà ở sẽ giảm dần.
TP.HCM sẽ phát triển nhà ở kết hợp kinh doanh tại khu vực các quận trung tâm và nội thành hiện hữu. Phát triển nhà ở tập trung, tăng mạnh tại các quận nội thành phát triển, các huyện ngoại thành và giảm dần tại khu vực nội thành trung tâm.
Diện tích bình quân một căn nhà ở thương mại cao nhất tại khu vực nội thành phát triển và giảm dần vào khu vực trung tâm. Diện tích bình quân một căn nhà dân tự xây cao nhất tại khu vực trung tâm hiện hữu và giảm dần ra khu vực ngoại thành.
Trong tương lai, TP.HCM có xu hướng phát triển loại hình văn phòng kết hợp lưu trú do nhu cầu làm việc, lưu trú và khả năng chi trả của người lao động phù hợp với loại hình này.
___________
Bài liên quan
TP.HCM tăng kinh phí xây nhà ở xã hội, nhà cho thuê