ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Bất động sản Featured

Đã có cách gỡ được tranh chấp quỹ bảo trì chung cư

Chia sẻ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30/NĐ-CP ngày 26/3/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; trong đó, quy định rõ hàng loạt giải pháp ngăn chặn chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

Mở tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, người mua chung cư sẽ phải đóng thêm 2% giá trị hợp đồng mua căn hộ để làm quỹ bảo trì chung cư. Sau khi chung cư đã đi vào hoạt động các cư dân sẽ bầu ra ban quản trị và chủ đầu tư có nghĩa vụ sẽ phải bàn giao toàn bộ số tiền này cho ban quản trị để bảo trì các hạng mục hư hỏng của tòa nhà khi đi vào hoạt động.

Nghị định 30/NĐ-CP ngày 26/3/2021 (Nghị định 30) đã sửa đổi bổ sung Điều 36 của Nghị định 99 theo hướng quy định chủ đầu tư phải mở một tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư và là tài khoản thanh toán – tài khoản đóng.

Chủ đầu tư không được phép sử dụng tài khoản này. Việc này loại bỏ được việc chủ đầu tư tự ý sử dụng kinh phí bảo trì trong thời gian chưa bàn giao quỹ bảo trì về cho ban quản trị nhà chung cư như thời gian trước đây.

Việc bỏ quy định người mua, thuê mua nộp trực tiếp kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư và thay vào đó là nộp vào tài khoản thanh toán (tài khoản đóng) do chủ đầu tư lập cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở; đồng thời quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư, người mua, thuê mua nhà ở đối với việc nộp kinh phí bảo trì.

Những sửa đổi quy định này nhằm gắn trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo trì nhà chung cư, tránh trường hợp như quy định trước đó, người mua, thuê mua không nộp và chủ đầu tư cũng không nộp dẫn đến phải thực hiện cưỡng chế gây khó khăn cho việc thu kinh phí bảo trì.

Chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì sẽ bị cưỡng chế

Điểm mới trong Nghị định 30 còn có việc xử lý tài sản của chủ đầu tư để thu hồi kinh phí bảo trì bàn giao cho ban quản trị. Cụ thể, Nghị định 30 đã sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Nghị định 99 theo hướng quy định rõ biện pháp xử lý tài sản của chủ đầu tư trong các trường hợp.

Theo đó, nếu tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì còn kinh phí nhưng chủ đầu tư không bàn giao thì UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quyết định cưỡng chế, yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển giao kinh phí này sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập.

Trong trường hợp tài khoản tiền gửi này trên không còn đủ tiền hoặc không còn tiền thì UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản do ban quản trị nhà chung cư lập theo đúng số kinh phí bảo trì nhà chung cư phải bàn giao.

Thậm chí, nếu chủ đầu tư không còn tiền hoặc không còn đủ tiền trong tài khoản kinh doanh để bàn giao thì UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư tại dự án nơi có nhà chung cư hoặc tài sản khác tương đương với giá trị kinh phí phải bàn giao cho ban quản trị để bán đấu giá và bàn giao kinh phí cho ban quản trị nhà chung cư.

Đặc biệt, Nghị định 30 còn bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc phối hợp xử lý thu hồi kinh phí bảo trì từ chủ đầu tư bàn giao sang ban quản trị nhà chung cư nhằm tạo cơ sở pháp lý, tính khả thi trong thực hiện.

____________

Phí bảo trì chung cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, TP.HCM, có tới 36% vụ tranh chấp tại chung cư hiện nay xoay quanh vấn đề này.

____________

Bài liên quan

Kiến nghị phí bảo trì chung cư do ban quản trị quyết định

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments