ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Thép chiếm 28% chi phí xây căn hộ, nhưng đang tăng giá đến 45%

Chia sẻ

Giá thép thời gian qua tăng đến 45% ảnh hưởng rất lớn đến giá nhà, do chi phí chênh lệch giá vật liệu được tính vào giá thành căn nhà.

Giá thép tăng do ngành bất động sản và xây dựng hồi phục

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) mới đây lên tiếng về thực trạng giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%.

Thép là vật liệu thiết yếu trong ngành xây dựng, chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng. Chi phí cho thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí xây dựng một căn hộ chung cư, khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề.

Theo bảng giá ngày 6/5, thép Hòa Phát tiếp tục giữ giá cao trong nhiều ngày liên tiếp. Giá thép cuộn CB240 là 16.850 đồng/kg, thép D10 CB300 17.000 đồng/kg. Trong khi đó thép cuộn của thương hiệu thép Việt Đức giá 16.800 đồng/kg, thép D10 giá 16.700 đồng/kg.

Giá thép cuộn CB240 của thép Việt – Ý là 16.850 đồng/kg, thép D10 ở mức 16.750 đồng/kg. Giá thép Kyoei lần lượt là 16.800 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, 16.900 đồng/kg đối với thép D10 CB300.

Bộ Công thương lý giải, giá thép tăng do kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%. Theo đó, nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%.

Cụ thể, cơ quan này cho rằng trong năm nay, ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục. Thực tế, Chính phủ đã triển khai các dự án đầu tư công lớn như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc – Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Do đó, dự báo nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn. Trong đó thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt ở mức 11,2 triệu tấn, 2,49 triệu tấn và 4,415 triệu tấn; thép cuộn cán nóng và thép lá cán nguội là 10,69 triệu tấn.

Nguyên liệu sản xuất thép phụ thuộc nước ngoài

Cục Công nghiệp cho biết, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite…

Giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép do đó phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng góp phần khiến giá thép tăng mạnh.

Việt Nam cũng có trữ lượng quặng sắt, là nguyên liệu chủ yếu để luyện thép, nhưng trữ lượng và tài nguyên dự báo chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn, tập trung nhiều ở hai mỏ Thạch Khê và Quý Xa.

Tuy nhiên, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, đã dừng hoạt động từ năm 2011 đến nay chưa hoạt động lại vì Hà Tĩnh và một số bộ, ngành không đồng thuận khai thác trở lại.

Mỏ sắt Quý Xa trữ lượng 124 triệu tấn, được cấp phép khai thác từ năm 2007 với công suất 3 triệu tấn/năm, thời hạn giấy phép khai thác hết năm 2020 nên đã hết hạn.

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép. Theo đó, số lượng nhập khẩu ước tính hơn 18 triệu tấn quặng sắt cho các lò cao khoảng, 6-6,5 triệu tấn thép phế liệu cho các lò điện, khoảng 6,5 triệu tấn than mỡ luyện cốc, khoảng 10.000 tấn điện cực graphite…

Bộ Công thương dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

____________

Bài liên quan

Hòa Phát bán hơn 1 triệu tấn thép trong tháng 3

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments