Có kế hoạch sắp xếp mọi thứ
Cuộc sống cùng dịch bức bí, khó khăn. Dù biết rằng, ai ai cũng mong muốn cuộc sống trở lại bình thường như trước đây nhưng vào lúc này đây lại là câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Bởi lẽ, dịch bệnh diễn biến ngày một khó lường, nguồn cung vắc xin đang khan hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Từ tháng 6 đến hết tháng 7 này, TP.HCM liên tiếp đưa ra những quyết sách quyết liệt nhằm đẩy lùi dịch bệnh nhưng các con số ca nhiễm vẫn không ngừng gia tăng từ vài chục ca và lên đến gần 5.000 ca ở giữa tháng 7.
Vậy biện pháp để gia đình thích nghi với điều kiện sống cùng dịch dài hạn như hiện nay đòi hỏi mỗi người, mỗi nhà hãy tự sắp xếp mọi thứ.
Trước tiên, mọi người hãy để ý tới căn bếp của nhà mình xem đang cần những gì và có kế hoạch gấp rút bổ sung trong thời gian sớm nhất có thể.
Thực tế đã chứng minh hệ lụy của việc sống không có kế hoạch kinh khủng như thế nào. Đó là, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong hai tuần, không ít gia đình rơi vào cảnh điêu đứng khi trong nhà vẫn trống trơn.
Tâm lí sống từ từ và suy nghĩ đơn giản (hay chưa có kinh nghiệm?) khi nghĩ về cuộc sống giãn cách cũng sẽ không có gì khác cuộc sống bình thường càng rơi vào hụt hẫng hơn khi các chợ đầu mối và hàng loạt chợ chính, chợ tự phát tại các quận, huyện, phường, xã đồng loạt tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch.
Khi đến nay, nguồn thực phẩm chỉ còn được cung cấp ở hệ thống bán lẻ hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Người dân càng sốc hơn khi đường đi của nguồn thực phẩm ở các tỉnh về TP.HCM bị hạn chế do những yêu cầu khắt khe phòng dịch trong khâu vận chuyển. Với yêu cầu là tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vận chuyển hàng, mà hiện lực giấy xét nghiệm cũng chỉ có giá trị từ 3 đến 7 ngày tùy mỗi tỉnh, thành phố quy định.
Chi phí xét nghiệm tốn kém, khiến cho chi phí vận chuyển bị đội lên cao hơn. Ngay đến chi phí bán lẻ tại các hệ thống bán lẻ cũng phát sinh nhiều thứ, cũng như không tránh được những đối tượng buôn bán kiểu “tát nước theo mưa” từ đó khiến cho giá bó rau, cọng hành… tới được tay người tiêu dùng cũng tăng theo.
Những ngày qua, đâu đâu cũng đầy những tiếng than vãn của các chị em về tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả leo thang. Những ngày tháng 7, tại TP.HCM giá rau “chát đắng” khi đậu bắp bị hét giá tới 70.000 đồng/ký, bí đỏ giá đến hơn 50.000 đồng/kg,…
Chị Linh, ngụ tại phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức lại ung dung cho biết: “Gia đình vẫn ngày ba bữa cơm canh thịt cá đầy đủ, và hiện tại thực phẩm đủ cho sử dụng được hơn chục ngày tiếp theo. Không chỉ vậy, tôi còn biếu vài loại rau củ cho hàng xóm khi nghe mọi người kêu không mua được rau xanh. Vì nhà mọi người bị cách ly tại nhà không được ra ngoài”.
Có thể nói, hơn một tuần sau khi thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân TP.HCM lao đao vì chén cơm, miếng rau, con cá và càng thấm thía hơn về mấy chữ “sắp xếp cuộc sống”.
Cách nào để gia đình không lo thiếu thực phẩm?
Mỗi lần cứ nghe đồn phong tỏa thành phố, giãn cách xã hội là mọi người lại đổ xô đi mua. Sao không tranh thủ mua mấy ngày trước đó? Chợ rảnh, siêu thị vắng tha hồ chọn lựa, lại mua được thức ăn tươi ngon, giá tốt.
Chị Linh cho biết, hơn tháng nay luôn trong trạng thái chỗ ở có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào nên cứ vài ba hôm lại ghé chợ, ghé tiệm thực phẩm uy tín hay vào siêu thị để mua hàng. Lên danh sách cả thực phẩm khô và cả đồ tươi sống. Vậy là, vài ký tôm khô, cá khô, thùng mỳ gói, bún, miến, phở khô…. Rồi các loại củ quả để được lâu như bí đao, bí đỏ, su su, su hào, khoai sọ, khoai mỡ…, còn rau xanh thì nên chọn loại chưa bị nhúng nước để về bảo quản trong tủ lạnh được lâu hơn…. Tiếp đó, thịt, cá, xương các loại cũng được mua đầy đủ.
Cứ mỗi ngày mua một ít, rửa sạch, để ráo nước rồi chia ra từng phần cá, thịt… đủ mỗi bữa ăn và cất vào ngăn đông của tủ lạnh hay tủ đông. Mỗi bữa nấu chỉ lấy từng hộp ra để chế biến nên thực phẩm luôn tươi ngon.
Với cách làm như vậy, gia đình chị Linh gồm 5 thành viên vẫn đủ lương thực, thực phẩm tiêu dùng và an tâm ở yên trong nhà trong những ngày thành phố giãn cách chống dịch Covid 19 ở tháng 7 này.
Linh Ngọc