Tin tức xây dựng, bất động sản hôm nay 2.8: Nhộn nhịp ở các khu công nghiệp
Chia sẻ
Tin tức xây dựng, bất động sản hôm nay có: Tỉnh Sóc Trăng phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu dịch vụ và cư xá công nhân khu công nghiệp An Nghiệp; tỉnh Kon Tum tháo gỡ khó khăn trong dự án chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai…
Tin tức xây dựng, bất động sản hôm nay đáng chú ý: UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có quyết định số 1872 phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Khu dịch vụ và cư xá công nhân khu công nghiệp An Nghiệp, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, dự án thuộc địa bàn phường 7, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có quy mô 18,27ha, trong đó, khu dịch vụ và nhà ở 13,21ha (dân số khoảng 5.000 người), khu thiết chế của Công đoàn 5,06ha (dân số khoảng 2.500 người).
Ranh giới dự án quy hoạch: phía đông bắc giáp đất nông nghiệp, phía tây nam giáp đất dân cư hiện hữu và đất nông nghiệp, phía đông nam giáp kênh thủy lợi (giáp khu dân cư Minh Châu), phía tây bắc giáp Quốc lộ 60.
Cơ cấu sử dụng đất khu dịch vụ và nhà ở, gồm: đất ở 59.914 m2 (tỷ lệ 45,3%), trong đó, đất nhà ở xã hội chung cư là 39.374m2, bố trí 1.030 căn hộ; đất nhà ở xã hội liên kế diện tích 6.944m2 ,bố trí 101 căn; đất nhà ở liên kế thương mại 11.073m2, bố trí 137 căn; đất nhà ở tái định cư 2.523m2, bố trí 28 nền tái định cư; đất thương mại dịch vụ 4.496 m2; đất giáo dục 7.011 m2 và phần đất dành cho cây xanh, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31/12/2020, Khu công nghiệp An Nghiệp đã thu hút được 65 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.575 tỷ đồng, trong đó các dự án FDI là 1.884 tỷ đồng, diện tích lấp đầy đạt tỷ lệ 98,5%. Tổng số lao động hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp An Nghiệp khoảng 18.000 người, thu nhập bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 dự án chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai.
Đến nay Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đã chi trả đợt 1 với kinh phí khoảng 850 triệu đồng, diện tích khoảng 14 ha. Hiện nay, đơn vị này đã lập và trình phê duyệt phương án đợt 2 với tổng diện tích khoảng 43 ha/60 ha thuộc Khu đô thị – dịch vụ Sao Mai, với 90 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, tổng kinh phí thực hiện khoảng 39 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về xử lý hỗ trợ về đất đối với các hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất từ giai đoạn 1979 đến nay. Đây là các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định liên quan.
Dự án chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai có tổng mức đầu tư khoảng 272 tỷ đồng, diện tích 212,6 ha, nguồn vốn là từ nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho Ban quản lý dự án giao thông tỉnh thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án tuyến đường phía tây huyện Vân Canh, đoạn từ Khu công nghiệp, đô thị Becamex Bình Định đến thị trấn Vân Canh.
Dự án có chiều dài khoảng 23,2km, trong đó, khoảng 7,8km nằm trong khu công nghiệp, đô thị Becamex. Tốc độ thiết kế tối đa của dự án là 80km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 779 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024.
Huyện Vân Canh hiện có cụm công nghiệp Canh Vinh và cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh. Đến nay, 2 cụm công nghiệp có tổng diện tích quy hoạch 77 ha đã thu hút 8 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ, sản xuất gỗ ván ép, chế biến viên nén sinh học, sản xuất gạch hoffman, chế biến than hoạt tính… thuê đất, xây dựng nhà xưởng để sản xuất, với tổng vốn đầu tư 73 tỷ đồng. Trong năm 2019, các doanh nghiệp có tổng doanh thu 1.248 tỷ đồng.
UBND tỉnh Hậu Giang có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Trung tâm TP Ngã Bảy (Khu D).
Dự án tọa lạc tại phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy. Dự án có quy mô diện tích khoảng 1,741ha, bao gồm các hạng mục: trung tâm thương mại kết hợp với khách sạn tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên với số tầng cao xây dựng từ 11 – 12 tầng với diện tích 1.200m2; các khối nhà ở thương mại (7.802m2); hạ tầng công viên cây xanh (576m2); đường giao thông – bãi đỗ xe (hơn 7.830m2)…
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 403,1 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ chi phí thực hiện dự án là 353,1 tỷ đồng và tiền sử dụng đất, thuê đất 50 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.
Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Về tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong vòng 28 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất.
HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả tái giám sát tính đến tháng 5/2021 của Thường trực HĐND TP về việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dựng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cho thấy, Hà Nội còn 350 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Cụ thể là nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.
Liên quan tin tức xây dựng, bất động sản hôm nay, nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm luật đến thời điểm tháng 5. Trong đó có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất…); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.