Tin tức xây dựng, bất động sản hôm nay 5.9: Ninh Thuận thu hồi đất, Bà Rịa – Vũng Tàu đấu giá đất
Chia sẻ
Tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý ngày 5.9: Ninh Thuận: Thu hồi hơn 583 ha đất, triển khai 47 dự án nhà ở; Bà Rịa – Vũng Tàu: Đấu giá khu đất 21,7 ha tại Mũi Nghinh Phong…
Ninh Thuận: Thu hồi hơn 583 ha đất, triển khai 47 dự án nhà ở
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của TP Phan Rang – Tháp Chàm năm 2021.
UBND tỉnh dự kiến thu hồi hơn 583 ha đất, trong đó 551 ha là đất nông nghiệp và 32 ha là đất phi nông nghiệp. Hơn 627 ha đất nông nghiệp sẽ được chuyển sang phi nông nghiệp. 4,3 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sẽ được chuyển sang đất ở…
Tinh Ninh Thuận cũng dự kiến sẽ triển khai 47 dự án trên địa bàn TP Phan Rang – Tháp Chàm. Trong đó, có một số như dự án đáng chú ý như Khu đô thị mới Tây Bắc TP Phan Rang – Tháp Chàm (91 ha); Khu đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chữ (K2, 54 ha)…
Theo quyết định nói trên, TP Phan Rang – Tháp Chàm có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.918 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 2.553 ha; đất phi nông nghiệp hơn 5.315 ha; đất chưa sử dụng hơn 50 ha.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Đấu giá khu đất 21,7 ha tại Mũi Nghinh Phong
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản thống nhất thời gian Kế hoạch thực hiện các thủ tục đấu giá khu đất 21,7 ha tại Mũi Nghinh Phong, phường 2, TP Vũng Tàu vào tháng 9/2022.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND TP Vũng Tàu và các sở ngành liên quan lập thủ tục đấu thầu thuê đơn vị tư vấn, lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, lập hồ sơ chủ trương đầu tư theo quy định.
Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá và Quyết định đấu giá; xây dựng giá đất khởi điểm và trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức đấu giá. Làm đầu mối tổng hợp, theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch, kịp thời tổng hợp các tồn tại, vướng mắc, phát sinh (nếu có). Báo cáo UBND tỉnh đình kì vào ngày 15 và 30 hàng tháng.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh) các sở ngành có liên quan tổng hợp tiến độ thực hiện dự án đấu giá khu đất 21,7 ha tại Mũi Nghinh Phong vào báo cáo chung các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Khánh Hòa: Trả lại đất tại dự án đã thu hồi để phục vụ quốc phòng
Ngày 4/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao cho UBND TP Cam Ranh yêu cầu Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bình Ba (gọi tắt là Công ty Bình Ba) khẩn trương di dời tài sản ra khỏi khu đất ở đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/9.
Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thì tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bình Ba do Công ty Bình Ba làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi lần thứ 2 trong tháng 5/2015. Bốn tháng sau đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 44/2015/QĐ-TTg ngày 22/9/2015, ban hành quy chế đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh.
Theo đó, dự án của Công ty Bình Ba phải dừng hoạt động. Điều đáng nói là khi chưa có giấy phép xây dựng, nhưng Công ty Bình Ba đã thi công xây lắp một số hạng mục công trình. Đến ngày 31/10/2018 UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định thu hồi đất, đất có mặt nước ven biển tại dự án nêu trên, thế nhưng đến nay Công ty Bình Ba vẫn chưa di dời tài sản, trả lại đất cho nhà nước.
Bình Thuận: Quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành quyết định về quy định điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định mới, tại khu vực nông thôn, diện tích tối thiểu các thửa đất ở được hình thành từ việc tách thửa là 60m2. Trong đó, chiều rộng mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu tối thiểu là 4m và chiều dài tối thiểu 8m. Tại khu vực đô thị, diện tích tối thiểu các thửa đất ở hình thành từ việc tách thửa là 40m2. Trong đó, chiều rộng mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu là 4m và chiều dài tối thiểu 5m.
Đối với đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) tại nông thôn, diện tích tối thiểu các thửa đất hình thành từ việc tách thửa là 100m2 và chiều rộng tối thiểu 5m, chiều dài tối thiểu 10m. Tại đô thị, diện tích tối thiểu các thửa đất phi nông nghiệp được hình thành từ việc tách thửa là 60m2 và chiều rộng tối thiểu 4m, chiều dài tối thiểu 5m.
Đối với đất nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Thuận chia làm 2 trường hợp, đó là đất nằm ngoài khu dân cư và đất nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư thì diện tích tối thiểu được tách thửa là 1.000m2. Quy định này áp dụng tại các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Phú Quý). Còn tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và các xã thuộc huyện Phú Quý thì diện tích tối thiểu đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư được tách thửa là 500m2.
Quy định mới về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại tỉnh Bình Thuận nói trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/9/2021.
Cần Thơ: Cập nhật dự án triển khai sớm giai đoạn 2021- 2025
UBND TP. Cần Thơ đã cập nhật vào danh mục các dự án quan trọng cần sớm triển khai thực hiện giai đoạn 2021- 2025.
Ðó là dự án cải tạo các nút giao thông trọng điểm của Thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.180 tỷ đồng. Dự án xây dựng trụ sở Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội và HÐND Thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng.
Tăng tổng mức đầu tư 4 dự án do phát sinh chi phí bồi hoàn, giải phóng mặt bằng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án so với dự kiến tại Tờ trình số 223/TTr-UBND ngày 30/11/2020 với tổng số tiền trên 1.305 tỷ đồng. Đó là:
Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) tăng mức đầu tư thêm 630,8 tỷ đồng (Dự án này có tổng mức đầu tư trên 7.843 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 250 triệu USD, vốn không hoàn lại từ Tổ chức Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) 10 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng).
Dự án Trung tâm Văn hóa – Thể thao Ninh Kiều tăng mức đầu tư thêm 106,050 tỷ đồng (tổng mức đầu tư dự án trên 586 tỷ đồng).
Dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ tăng thêm 284,619 tỷ đồng (Dự án có tổng mức đầu tư trên 810 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách địa phương. Trong đó, vốn vay ODA từ AFD trên 462 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại từ AFD là 7,2 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 341 tỷ đồng).
Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên sông Trà Nóc, phường Trà An (từ cầu Trà Nóc đến cầu Xẻo Mây), quận Bình Thủy tăng 283,711 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của dự án gần 505 tỷ đồng).
____________
Bài liên quan
Nhiều chính sách mới về đất đai, nhà ở tiện lợi cho người dân