ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Doanh nghiệp xây dựng cần dùng ‘chìa khóa vàng’ để vượt khó

Chia sẻ

Trước sự tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19, như nhiều ngành nghề khác, ngành xây dựng có một năm hoạt động khá ảm đạm. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn cũng chính là điều kiện để ngành xây dựng “gạn đục khơi trong”, sàng lọc những yếu tố chưa phù hợp để phát triển vững chắc hơn.

Theo khảo sát của Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có tới 73,9% doanh nghiệp xây dựng cho rằng năm 2020 việc kinh doanh khó khăn hơn, chỉ có 4,3% nói ngành xây dựng – vật liệu xây dựng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định như năm ngoái. Tuy vậy, vẫn có 13% doanh nghiệp lạc quan rằng ngành này tăng trưởng hơn so với năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng lạc quan rằng ngành này vẫn tiếp tục tăng trưởng

Thực tế, ngay cả quãng thời gian trước khi xảy ra đại dịch cúm, ngành xây dựng cũng đã chưa thể hiện sự vượt trội so với nhiều ngành khác. Thậm chí, sức ì của ngành còn nặng nề, biểu hiện ở các điển hình như: năng suất gần như dậm chân tại chỗ, mức độ số hóa thấp, khả năng sinh lời thấp.

Sau giai đoạn 2017 – 2018 phát triển rất nhanh, thị trường bất động sản năm 2019 đột ngột chững lại. Điều này tất yếu dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung của ngành xây dựng – vật liệu xây dựng.

Số lượng dự án được phê duyệt giảm đáng kể. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, năm 2019, tại Hà Nội chỉ có 5 dự án đủ điều kiện triển khai mới, được phê duyệt.

Giới nhà thầu xây dựng, nhà thầu cơ điện cho biết, khó khăn hàng đầu của họ là số lượng dự án được phê duyệt bị giảm. Dân trong ngành cũng nhấn mạnh thêm những khó khăn muôn thuở như: thủ tục pháp lý, quá trình triển khai, đấu thầu, cho đến công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu xây dựng…

Sang đầu năm nay, tình hình hoạt động của ngành vẫn tiếp tục trầm lắng. Có đến 47,5% số doanh nghiệp kinh doanh khó khăn hơn, 33,7% doanh nghiệp duy trì được sự ổn định, chỉ có 18,8% số doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam trong quý I/2020.

Bên cạnh đó, theo số liệu của FiinPro cũng trong quý I/2020, ngành xây dựng ghi nhận mức giảm 9,5% doanh thu và giảm 10,2% lợi nhuận sau thuế.

Thị trường xây dựng cuối năm sẽ sôi động

Tuy vậy, có một con số đáng chú ý, 8,7% số doanh nghiệp xây dựng cho rằng thị trường trầm lắng nửa đầu năm nhưng sẽ vực dậy, sôi động trong 6 tháng cuối năm khi dịch Covid-19 kết thúc, đồng thời các gói kích cầu của Chính phủ bắt đầu có hiệu quả.

Đại dịch cúm xảy ra vào đầu năm nay, như một liều thuốc thử đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức đề kháng, cạnh tranh yếu, bị thu hẹp thị phần, thậm chí đóng cửa vì thiếu nguồn việc và nhân công. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, họ vẫn duy trì được thị phần, một số còn có cơ hội phát triển kinh doanh.

Đặc thù của ngành xây dựng, nhân công chỉ chiếm 20% chi phí xây dựng nhưng lại là yếu tố quyết định khả năng và chất lượng thi công của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nào trong ngành cũng phải ưu tiên số 1 việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài làm suy giảm kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp xây dựng trong nước buộc phải gia tăng năng lực quản trị tài chính, để chịu đựng, cầm cự qua cơn khủng hoảng.

Vietnam Report cho biết, các doanh nghiệp trong ngành khẳng định sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn trong năm 2020 này bằng 6 chiến lược chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đảm bảo chất lượng và tiến độ của các dự án, công trình hiện có; Tăng cường công tác quản trị tài chính; Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ; Tiếp tục phát triển thương hiệu; Nghiên cứu sản phẩm mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam khuyến nghị, để không chỉ vượt khó trong năm 2020 mà còn tạo đà phát triển cho giai đoạn sau, doanh nghiệp ngành xây dựng cần sử dụng “chìa khóa vàng”, biến khó khăn thành cơ hội. Chìa khóa đó chính là phát triển thương hiệu, xây dựng uy tín, bằng cách: “Tiếp tục tăng cường tiếng nói từ phía doanh nghiệp; mở rộng phạm vi chủ đề hiện diện trên truyền thông; nâng cao công tác chăm sóc khách hàng”.

Long Đạo

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments