ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Các nhà đầu tư điện mặt trời chạy đua hòa lưới điện trước 31/12

Chia sẻ

> Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 8/10 trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới
> Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đóng điện ngày 15/11
> Nhộn nhịp xây nhà máy điện mặt trời trên mặt nước

Các nhà đầu tư dự án điện mặt trời đang gấp rút thi công nhằm kịp vận hành điện trước ngày 31/12/2020 để được hưởng nhiều ưu đãi theo phê duyệt của Chính phủ.

Chạy đua kịp hòa lưới điện

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện mặt trời mái nhà cao hơn các loại hình điện mặt trời khác, với mức 8,38 Uscent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh), áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020.

Giá bán ưu đãi dành cho điện mặt trời áp mái có thời điểm vận hành phát điện từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020.

Đơn giá ưu đãi này sẽ kết thúc vào ngày 31/12 năm nay nên nhiều nhà đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để kịp thời điểm hòa lưới điện.

Công ty Cổ phần cơ điện lạnh REE đang đầu tư mạnh tay với mục tiêu trở thành nhà phát triển các dự án điện mặt trời áp mái thuộc nhóm đầu ở Việt Nam. Sau thủy điện, nhiệt điện, REE dự kiến cán mốc 100 MW công suất điện mặt trời áp mái trong năm 2020, trong đó, công suất được cấp chứng nhận vận hành thương mại khoảng 80 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung đầu tư loại hình năng lượng này để phát triển bền vững. Sóc Trăng thực hiện dự án điện mặt trời với công suất 1.450MWp. Hàng loạt dự án năng lượng điện mặt trời của Bạc Liêu đang chạy đua với thời gian để hoàn thành trước tháng 1/2021. Tỉnh Sóc Trăng đã trình Bộ Công thương 6 dự án điện mặt trời, tổng công suất 147 MWp. Đến năm 2030, tỉnh này có 17 dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp với tổng công suất 975MWp.

Tại Khánh Hòa, Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh công suất 100MWp, tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng, đã hoàn thành công tác thi công cọc móng và gần như toàn bộ khối lượng giá đỡ pin. Dự kiến nhà máy này sẽ phát điện thương phẩm trước ngày 31/12/2020.

Cũng ở địa phương này, Nhà máy điện mặt trời Long Sơn, công suất 170MWp, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành việc đổ cọc cho giá đỡ và cuối tháng 11 hoàn tất việc lắp pin năng lượng. Dự kiến ngày 10/12 nhà máy phát điện thương mại.

Trên địa bàn TP.HCM đến thời điểm này, có 10.477 hệ thống điện mặt trời được lắp đặt với tổng công suất 156,6MWp. Riêng năm nay, loại hình điện mặt trời áp mái phát triển được 4.926 hệ thống, tăng 98% so với cùng kỳ năm 2019, với tổng công suất 90,9MWp. Sản lượng dư không dùng dùng hết của 10 tháng năm 2020 được phát ngược lên lưới đạt hơn 43,8 triệu kWh.

Hợp đồng bán điện 20 năm, hoàn vốn dưới 10 năm

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 6, có khoảng 37.300 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên cả nước. Tổng công suất ước tính đạt khoảng 782 MW.

Hợp đồng mua bán điện có thời hạn đến 20 năm.

Hiện các doanh nghiệp, nhà xưởng có sẵn mái nhà đang phát triển điện mặt trời mái nhà theo 3 xu hướng chính. Thứ nhất, những doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư, không có sẵn vốn, cho thuê mái để đơn vị chuyên phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặp hệ thống và mua lại điện từ chính đơn vị này để sử dụng. Với giá thấp hơn giá bán điện của EVN, doanh nghiệp vừa có thêm nguồn thu từ cho thuê mái nhà vừa mua điện giá rẻ hơn. Phần công suất dôi dư sẽ được đơn vị sở hữu hệ thống điện mặt trời bán cho EVN.

Thứ hai, doanh nghiệp có sẵn mái nhà, vốn nhưng không có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì hợp tác với đơn vị chuyên kinh doanh điện mặt trời mái nhà theo hình thức góp vốn thành lập công ty liên doanh. Lợi nhuận từ bán điện được chia sẻ theo tỷ lệ góp vốn. Thứ ba, doanh nghiệp trường vốn, sẵn sàng đầu tư sẽ thuê đơn vị có kinh nghiệm thi công, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau đó, doanh nghiệp tự quản lý, sử dụng nguồn điện và bán điện lại cho EVN nếu không dùng hết công suất.

Bên cạnh ưu đãi về giá mua điện, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn quy định hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm kể từ ngày đưa hệ thống vào vận hành. Điều này tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, là động lực hỗ trợ điện mặt trời áp mái tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết với hệ thống lưới hạ thế gồm 15.831 trạm biến áp công cộng với tổng dung lượng 6.538 MVA; hệ thống lưới trung, cao thế gồm 770 tuyến dây 22 kV, 60 trạm 220/110 kV, có tổng dung lượng 7.250 MVA, đơn vị này có thể tiếp nhận tất cả nhu cầu đấu nối, giải tỏa 100% công suất điện mặt trời mái nhà của khách hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, tỷ suất hoàn vốn đầu tư điện mặt trời mái nhà tại các cơ sở kinh doanh thương mại trung bình 4-5 năm, tại nhà xưởng khoảng 7-8 năm. Với hộ gia đình sử dụng nhiều điện năng, điện mặt trời mái nhà giúp tiết giảm nhiều chi phí. Đây cũng là phân khúc khách hàng quan trọng của các doanh nghiệp kinh doanh điện mặt trời.

Xuân Đồng

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments