Thị trường khách sạn Hà Nội bắt đầu nhộn nhịp
Chia sẻ
Khách lưu trú nội địa trong tháng 3 tại Hà Nội đạt 133.000 lượt, tăng 220% theo tháng. Nhiều thương hiệu khách sạn lớn như Grand Mercure, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit… sẽ gia nhập thị trường Hà Nội.
Khách nội địa lưu trú tăng cao
Nguồn cung khách sạn toàn thị trường Hà Nội trong quý 1/2021 đạt gần 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao, tăng 1% theo quý và tăng 2% theo năm. Một khách sạn 5 sao tại quận Đống Đa được chính thức xếp hạng sao trong khi hai khách sạn 4 sao tại quận Ba Đình và Tây Hồ đã hết hạn sao.
Khách sạn Capella tại quận Hoàn Kiếm được đưa vào hoạt động trong quý 1, tuy nhiên chưa được chính thức xếp hạng. Tới cuối quý vừa qua, hai khách sạn 3 sao với khoảng 130 phòng vẫn đang phải tạm đóng cửa. Hiện nay, 10 khách sạn 3-5 sao đang trở thành cơ sở cách ly gồm 3 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao và 2 khách sạn 3 sao.
Công suất thị trường Q1 đạt 24%, giảm 9 điểm % theo quý và 20 điểm % theo năm. Giá thuê phòng trung bình đạt 76 USD/phòng/đêm, tăng 8% theo quý và giảm 23% theo năm. Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 vào cuối tháng 1 tại Hà Nội đã kéo công suất thị trường khách sạn trong tháng 2 và tháng 3 xuống còn dưới 20%. Phân khúc khách sạn 5 sao vẫn dẫn đầu thị trường về doanh thu buồng phòng trung bình trong quý 1 với 25 USD/phòng/đêm.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 3, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều điểm du lịch trong thành phố mở cửa trở lại, khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt 685.000 lượt, tăng 180% theo tháng và 360% theo năm. Khách lưu trú nội địa trong tháng 3 tại Hà Nội đạt 133.000 lượt, tăng 220% theo tháng.
Trong quý 1, khách du lịch nội tới Hà Nội đạt 1,93 triệu lượt, tăng 4% theo quý và giảm 33% theo năm. Khách nội địa lưu trú trong quý đạt 230.000 lượt, tăng gấp đôi theo quý nhưng giảm đến 86% theo năm.
Nhiều thương hiệu khách sạn gia nhập thị trường
Ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội nhận định: “Khách nội địa tiếp tục là chìa khóa để phục hồi du lịch thành phố, dù các khách sạn tại Hà Nội đã có một quý khó khăn do tác động của một làn sóng Covid-19 khác làm giảm công suất thị trường. Về mặt tích cực, trong vòng hai năm tới, nhiều thương hiệu khách sạn quốc tế mới sẽ gia nhập thị trường, giúp thu hút khách quốc tế khi du lịch mở cửa trở lại”.
Thống kê từ Official Aviation Guide (OAG) cho thấy trong tháng 3/2021, đường bay hai chiều Hà Nội – TP.HCM tiếp
tục xếp hạng đường bay nội địa bận rộn thứ hai thế giới với khoảng 980.000 khách, chỉ đứng sau đường bay Jeju-Seoul của Hàn Quốc với 1,4 triệu khách.
Trong giai đoạn 2021-2023, xấp xỉ 3.000 phòng từ 14 khách sạn dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động. Riêng trong năm 2021 sẽ có thêm một khách sạn 5 sao, một khách sạn 4 sao và một khách sạn 3 sao với trên 400 phòng. Trong số 14 dự án khách sạn trong giai đoạn này, khu vực nội thành đóng góp gần 1.500 phòng hay 52% nguồn cung tương lai, theo sau là khu vực phía tây với 33%.
Phân khúc 5 sao dẫn đầu nguồn cung tương lai trong giai đoạn này, chiếm 80%. Các thương hiệu khách sạn lớn sẽ gia nhập thị trường gồm Grand Mercure, Fairmont, Eastin, Four Seasons, Lotte, Dusit, và Wink Hotel.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự đoán du lịch thế giới sẽ bắt đầu phục hồi từ quý 3/2021 với kịch bản tích cực nhất là du lịch sẽ phục hồi từ tháng 7 với số khách du lịch quốc tế trên thế giới năm 2021 sẽ tăng 66% theo năm. Với du lịch Hà Nội, dự báo sẽ đón tới 15 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, gần gấp đôi lượng khách năm 2020 và bằng 70% khách du lịch năm 2019.
___________
Bài liên quan
Nhiều cửa sáng cho thị trường văn phòng và bán lẻ của Hà Nội