ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Nhà đẹp Nội – Ngoại thất

Tìm ý khi trang trí

Chia sẻ

Trang trí nhà cửa, trang hoàng lại không gian sống vào mùa lễ hội cuối năm cũ, đầu năm mới luôn là câu chuyện mang tính thường niên. Nói theo kiểu “dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn người…” thì hàng năm, với mỗi gia đình, gia chủ, vấn đề “dù muốn dù không, tôi cũng hay phải đôi lần, xắn tay áo lên…” để làm công việc vừa hứng thú mà cũng vừa lặp lại theo nhịp thời gian như vậy.

Hứng thú bởi sau một năm hòa cùng nhịp sống gia chủ, mọi nội thất ít nhiều đều “hao mòn nhan sắc”, và cần chỉnh sửa để tạo hứng khởi cho người cư ngụ. Mặt khác, yếu tố bảo trì bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị và vật dụng chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn khi gắn kết cùng với ý tưởng trang trí. Tuy nhiên cũng bởi kiểu làm đẹp nhà theo quy luật chung của thời gian như vậy mà không ít gia chủ cảm thấy lúng túng, không có nhiều ý tưởng và dễ dàng chán nản, bỏ bê vì bận rộn.

Thực ra, việc hình thành và phát triển ý tưởng trang trí là hệ thống chuỗi công việc vừa mang tính nghệ thuật vừa đòi hỏi kỹ thuật, mà tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình có thể xử lý tương ứng, và có sự liên hệ nhất định với sinh hoạt văn hóa của mỗi gia đình. Ví dụ như những người theo Công giáo sáng tạo hang đá, cây thông giáng sinh hàng năm, hay những nghệ sỹ trang hoàng, cúng tổ nghề sân khấu… đều là hoạt động mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh trước khi có ý nghĩa về sử dụng hay nghệ thuật.
Hình thành ý tưởng trang trí cần bắt đầu từ xử lý hiện trạng, xem xét lại toàn bộ không gian để nhận định đúng đắn các điểm ưu khuyết, từ đó đề ra mục tiêu cho việc trang trí nhà cửa. Nghe khái niệm “mục tiêu” có vẻ to tát, nhưng thực ra các chuyên gia trong nghề đều hay khuyên gia chủ nên gạch đầu dòng rõ ràng mục tiêu mà mình cần đạt, tránh những suy nghĩ chung chung theo kiểu của giới câu view, câu like hiện nay trên mạng xã hội như “căn phòng thu hút mọi ánh nhìn”, hay “màu trắng tinh khiết vạn người mê”!
Những dấu ấn được “sinh ra” bởi ngôn từ của truyền thông và giới ưa check-in địa điểm chưa chắc là điều mà một không gian sống đích thực hướng tới. Bàn và kệ bếp là để nấu và soạn đồ ăn, bàn viết là để làm việc, quầy bar là để pha chế và ngăn chia không gian… trước hết là vậy, cần chi to tát ngôn từ!
Khi có được yêu cầu, mục tiêu rõ ràng, cụ thể, là chỗ nào cần làm gì, kinh phí dự trù bao nhiêu, thì việc quyết định chọn lựa vật dụng, giải pháp trang trí thế nào mới có thể “chốt hạ” được. Nói cách khác, khâu khảo sát, đánh giá hiện trạng ban đầu, dù là trong chính ngôi nhà của gia chủ đã và đang sống, vẫn luôn cần thiết và giữa vai trò “nhập dữ liệu” để từ đó các quyết định trang trí mới giữ được ý niệm xuyên suốt. Khá nhiều gia chủ hay có suy nghĩ đơn giản hóa vấn đề, thôi thì dọn dẹp chút xíu, kê lại chỗ này, xếp lại chỗ kia… mà không nhận thấy sự lãng phí thời gian và công sức nếu không xây dựng một ý tưởng xuyến suốt và cơ bản.
Ở góc độ chuyên môn, nhiều nhà thiết kế khi tư vấn hoặc cùng khách hàng của mình “đi chợ” nội thất đã có sự hình dung trước không gian đó cần giải pháp xử lý tương ứng ra sao, cho nên yếu tố hài hòa và phong cách nội thất, dù là nội thất lâu dài hay nội thất theo sự kiện ngắn hạn vẫn phải tương ứng với không gian. Điều này luôn cần được ưu tiên chú trọng hơn là sự độc đáo hay giá cả cao thấp.
Một bộ bàn ghế hấp dẫn, vài bức tranh có gu khi được đặt để đúng chỗ, được khách đến nhà công nhận “trông hợp đấy” sẽ thể hiện phần nào văn hóa sống có sự cộng hưởng, tương tác giữa nhiều người, không đơn thuần là một trang trí độc lập, dị biệt. Thực tế đã có không ít trường hợp nhà sau khi xây dựng phần cứng – tức là không gian, dây chuyền sử dụng – khá ổn nhưng phần mềm – bao gồm phụ kiện nội thất, đèn trang trí, vật dụng – bị “lệch pha” với không gian, việc trang trí do đó sẽ góp phần cho hoàn thiện thêm ý tưởng thiết kế ban đầu.
Đồ cũ vẫn luôn có giá trị và được ưa thích, nhất là khi đặt trong không gian phù hợp, mộc mạc và ít nhiều mang tính hoài niệm
Tuy nhiên, để đạt được tính hài hòa ở mức độ nào thường khó đo lường cụ thể, rõ ràng và nhiều khi gia chủ phải chấp nhận các phép “thử và sai” với chi phí không nhỏ. Ví dụ nội thất toàn nhà hiện đại trắng tinh tối giản, nhưng gia chủ lại thích dùng gỗ tự nhiên kiểu “sập gụ tủ chè” thì quả là không dễ cho việc kết nối và đồng bộ về mặt phong cách.
Thực tế luôn có một vài quy luật mang tính nền tảng trong tìm kiếm, xây dựng và hoàn thiện ý tưởng trang trí nhà cửa mùa lễ hội. Dưới đây là vài kinh nghiệm được một số thương hiệu thiết kế – thi công đúc kết qua thực tế, dù chưa phải là các ý tưởng đột phá và phổ quát nhất, nhưng ít ra cũng mang tính chất “an toàn” và có thể tham khảo:
Theo hình tìm ý: mọi không gian đều có giới hạn về hình thể, dài hay ngắn, vuông hay tròn, bo góc hay vát chéo, thông tầng cao hay hạ trần thấp… đều là cơ sở ban đầu khi khảo sát và đánh giá hiện trạng. Hãy khoan bị “ám ảnh” bởi phong cách, khi mà kích thước, diện tích hay khối tích của không gian cần trang trí chưa được định vị, xử lý một cách rõ ràng. Từ hình dáng cơ bản trong không gian, một “điểm tựa” nào đó sẽ xác định cho cách trang trí, ví dụ khung cửa sổ, mảng tường treo tivi, bộ ghế salon hoành tráng hay góc bàn trà gọn ghẽ…
Lò sưởi và những sắp đặt gợi không khí cuối năm ấm áp
Với hình thể bố cục một căn phòng bị đi xuyên qua thì các trang trí nên bám theo trục giao thông cũng như tìm kiếm điểm dừng cho thị giác. Còn với hiện trạng một góc không gian không có cửa mở ra bên ngoài (ví dụ như trong nhà ống hẹp góc căn hộ chung cư) thì việc tạo một khung cửa (mô phỏng, liên tưởng) có thể là cơ sở ban đầu để tạo nên ý tưởng trang trí.
Có thời trong không: mọi ngôi nhà đều hình thành và hoàn thiện trong một khoảng thời gian cụ thể, nên tính thời gian, thời cuộc có thể nhận ra được qua đồ đạc, kiểu trang trí hiện hữu hoặc cách dùng chất liệu, màu sắc, ánh sáng. Nhìn nhận tính thời gian trong không gian chính là cách làm giúp hiểu rõ hơn “niên đại” các món đồ và kiểu dáng nội thất nhà mình, từ đó sẽ hoàn thiện, trang trí, mua sắm vật dụng phụ kiện theo hướng gia tăng “độ rõ nét, đậm đà” của phong cách ấy, hay pha trộn nhiều phong cách sao cho có duyên.
Nhà nào đồ nấy: khi phòng khách sở hữu nhiều đồ đạc kiểu xưa, nội thất đã mang rõ chất hoài cổ, như nhà kiểu thời thuộc địa, nhà rường, nhà sàn… thì hệ thống đồ gỗ thiên nhiên, có gờ chỉ, vòm khung, màu sắc từ vàng gỗ sồi đến sậm căm xe, nâu gõ đỏ… sẽ dễ hòa hợp. Và ngược lại, một dàn tủ kệ trắng xám đi cùng mặt bàn đá đen hay đá solid surface trắng tinh theo lối hi-tech sẽ được đa số gia chủ nhìn nhận khá hợp với nội thất phong cách hiện đại, làm ngược lại thì ắt xảy ra xung khắc giữa cũ và mới nếu không khéo phối hợp.
Lấy công làm lời: “công” ở đây là công năng, còn “lời” là hiệu quả cụ thể về sử dụng và thẩm mỹ. Cho dù nhà có làm theo phong cách gì đi chăng nữa thì hiệu quả về công năng so với việc đầu tư vẫn không thể bỏ qua, ví dụ trang trí một bệ đá như lò sưởi thì nên kết hợp làm tủ đồ, dự định dán giấy dán tường thì mảng tường ấy phải có khoảng trống đủ để nhìn ngắm, mua một tủ sách mới thì cấu trúc tủ cần dễ sắp xếp và thuận tiện nhất trong sử dụng. Các thiết kế tủ kệ hiện đại cũng lấy công năng và tính tương tác trong sử dụng làm chính nên không khó để chọn và bố trí cho ngôi nhà hiện nay.
Đa số và thiểu số: để tránh những mâu thuẫn gia đình trong quá trình chọn lựa đồ nội thất, vật trang trí, có thể chấp nhận sự hòa trộn và “thỏa hiệp” tùy theo từng vị trí. Ví dụ như đồ đồng, sắt kiểu xưa nhưng nếu kiểu dáng, hoa văn không quá chi li thì vẫn dùng tốt trong không gian hiện đại. Nếu chọn lọc, sắp xếp vật dụng cho phù hợp theo từng lứa tuổi, thế hệ trong gia đình, ưu tiên không gian cho đối tượng nào sử dụng nhiều hơn thì nên “phục tùng đa số”, còn không gian riêng có thể tùy theo sở thích từng thành viên.
Phòng nào chủ nấy: cách chọn lựa này căn cứ vào tâm lý người sử dụng cụ thể và yếu tố văn hóa của địa phương để chọn sao cho không bị lạc lõng với chung quanh. Ví dụ các phòng khách cư dân phố thị nhiều thế hệ chung sống có khuynh hướng chuộng đồ nội thất như gỗ tự nhiên, nhà có người cao tuổi sẽ hợp với các không gian mang tính âm (tĩnh lặng, hoài niệm, thâm trầm) như góc tâm linh, phòng thờ, thư phòng…
Pha trộn chất liệu giữa thô và tinh, xưa và nay… có thể là “phép thử” thú vị và bất ngờ
Trong khi đó đồ nội thất bằng kim loại và nhựa, chất liệu tổng hợp, màu sắc rực rỡ, đường nét mạnh… sẽ dùng thích ứng với các không gian mang tính dương (vui vẻ, trẻ trung, mạnh mẽ) như góc học tập, phòng sinh hoạt, phòng khách hiện đại, phòng ngủ trẻ em.
Trong trang trí nội thất, nhất là trang hoàng ngắn hạn theo thời điểm cần xem yếu tố nhìn ngắm, cảm thụ như là yêu cầu cần có để thoát khỏi thói quen “cân – đong – đo – đếm” về diện tích và chi phí. Yếu tố cá nhân, niềm vui thích với một ý tưởng có thể kỳ lạ nhưng vẫn tạo nên ấn tượng độc đáo… sẽ giúp không gian trở nên thú vị và độc đáo, và vẫn không ảnh hưởng gì đến… hòa bình thế giới. Câu hỏi đặt ra cuối cùng khi tìm ý tưởng trong trang trí nội thất chính là câu: tại sao không?

Theo Kiến trúc & Đời sống

___________

Bài liên quan

Nhà trong hẻm Sài Gòn bừng sáng nhờ bàn tay kiến trúc sư

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
VN Build Forum Editor

VN Build Forum Editor

  • 1
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments