ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Nội – Ngoại thất

Gỗ có phải là vật liệu bền vững trong ngành kiến trúc?

Chia sẻ

Thời gian gần đây, có nhiều bài viết về gỗ được đăng tải trên trang kiến trúc nổi tiếng Archdaily, nói về xu hướng, dự báo về việc sử dụng gỗ, đồng thời giải thích nhiều ứng dụng và đặc điểm của vật liệu quen thuộc này.

Nhiều người bày tỏ lo ngại về tác động của nạn phá rừng. Dù gỗ là vật liệu xây dựng tuyệt vời của tương lai, nhưng đã đến lúc phải đặt câu hỏi, liệu chúng ta có thể tiếp tục chặt cây và sử dụng gỗ triền miên như vậy không?

Lo ngại này không phải vô lý. Việc sử dụng gỗ thường gắn liền với nạn phá rừng, không chỉ phá hủy hệ sinh thái và môi trường sống mà còn gây ra những biến đổi khí hậu đáng lo ngại.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF ước tính số lượng cây xanh bị chặt để lấy gỗ trên thế giới dự kiến  tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Nhu cầu về gỗ và giấy có xu hướng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, việc sản xuất nhiên liệu sinh học, dược phẩm, nhựa, mỹ phẩm, điện tử tiêu dùng và dệt may cũng làm tăng việc dùng gỗ.

Báo cáo Tình trạng rừng thế giới 2020 cho thấy, từ năm 1990 đến nay, dù tỷ lệ phá rừng đã giảm, khoảng 420 triệu ha rừng vẫn biến mất do chuyển đổi mục đích sử dụng.

Từ năm 2015 đến năm 2020, mỗi năm thế giới mất 10 triệu ha rừng. Con số này có giảm so với 16 triệu ha mất đi mỗi năm trong thập niên 1990, nhưng tổng diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới vẫn giảm hơn 80 triệu ha.

Ngoài ra, hơn 100 triệu ha rừng đang bị sâu bệnh, hạn hán, cháy rừng cùng các hiện tượng khí hậu bất lợi. Theo WWF, ở các vùng nhiệt đới năm 2019, rừng cứ mỗi phút mất đi một diện tích tương đương với 30 sân bóng.

Nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là do việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; nạn cháy rừng gia tăng tần suất và cường độ. Việc khai thác gỗ không bền vững cũng ảnh hưởng nặng nề đến diện tích rừng.

Việc hạn chế những tác động này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của diện tích rừng. Gỗ, công trình bằng gỗ vẫn được ưa chuộng hơn rất nhiều so với các công trình xây dựng bằng bê tông, gạch, nhôm, thép.

Gỗ là vật liệu tái tạo, không giống như các loại tài nguyên không thể tái tạo như dầu mỏ, than đá, đá. Rừng có thể tiếp tục phát triển bình thường ngay cả khi một số lượng cây bị chặt phá. Nếu thực hiện việc quản lý rừng bền vững, trồng cây thường xuyên, con người sẽ có gỗ để sử dụng dài lâu.

Trồng rừng còn là cách thức bền vững để giảm hiệu ứng nhà kính. Việc giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh là điều cần thiết để duy trì cân bằng sinh thái. Chiến dịch truyền thông về tài nguyên gỗ – Think Wood, chỉ ra rằng chúng ta cần quản lý rừng tích cực, tỉa thưa rừng, giảm thiểu cháy rừng, giảm lượng khí thải carbon, bổ sung nguồn nước, mở rộng môi trường sống của động vật hoang dã và tạo việc làm ở các vùng nông thôn.

Một nghiên cứu cho biết, thay thế gỗ bằng các loại vật liệu khác có thể giảm 14-31% lượng khí thải CO2 toàn cầu và 12-19% mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.

Nếu rừng bị khai thác nhanh hơn so với tốc độ trồng cây mới, nhiều khả năng chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu gỗ trầm trọng.

Những nhà thiết kế nhà cửa phải là những người đầu tiên hiểu rằng không chỉ chất lượng, chi phí của vật liệu mà nguồn gốc, cách chúng được chế xuất cũng quan trọng. Nhiều loại gỗ có thể tái sử dụng nếu được thu hồi và tách khỏi các loại phế thải khác.

Những thách thức trong cuộc sống của con người đương đại liên quan đến việc khai thác và tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên, buộc chúng ta phải suy nghĩ. Gỗ là loại vật liệu bền vững được ưa chuộng, nên trong bối cảnh tình trạng phá rừng đang diễn ra phức tạp trên thế giới, chúng cần được khai thác và xử lý một cách nghiêm ngặt, có ý thức.

Theo Archdaily

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments