ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

Bình Phước khánh thành nhà máy điện mặt trời giữa phường, Cà Mau công bố Đất Mũi là đô thị

Chia sẻ

> Kịch bản nào cho bất động sản thành phố đảo Phú Quốc?
> 862 đô thị trong cả nước đóng góp 70% GDP

Những ngày đầu năm 2021 liên tiếp diễn ra các sự kiện trong lĩnh vực đô thị, quy hoạch, xây dựng đáng chú ý trên cả nước. 

Công bố thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Tối 8/1, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thành lập thành phố Phú Quốc – thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.

Thành phố Phú Quốc

Thành phố Phú Quốc được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 589,27km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 179.480 người; có 9 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: 2 phường là Dương Đông, An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu (xã Hòn Thơm được sáp nhập vào An Thới).

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của Phú Quốc có chuyển biến rõ nét, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống cảng biển, cảng hàng không đủ tiêu chuẩn quốc tế đã tạo điều kiện kết nối giao thương trong nước và thế giới, tạo diện mạo mới cho đảo Phú Quốc.

Kinh tế của Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Tổng vốn đầu tư tại Phú Quốc đạt 141.652 tỉ đồng. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ công bố thành lập thành phố Phú Quốc, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn Phú Quốc diễn ra nhanh đã đặt ra yêu cầu mới cần thiết phải có một bộ máy chính quyền đô thị có trình độ phát triển cao, hiện đại, đủ năng lực thực thi có hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.

Theo đó, mục tiêu sẽ là xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, là trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông – Nam Á.

Nơi đặt mốc tọa độ GPS 0001 được công nhận là đô thị loại 5

Chiều 8/1, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh Cà Mau vừa có quyết định công nhận đô thị Đất Mũi, khu vực Khánh Bình Tây và Trí Phải là đô thị loại 5 trực thuộc tỉnh.

Đất Mũi, Cà Mau

Theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đô thị Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển); đô thị khu vực Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) và đô thị Trí Phải (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) được công nhận là đô thị loại 5 từ ngày 1/1 năm nay.

Trong 3 đô thị nêu trên, đô thị khu vực Khánh Bình Tây thuộc xã bãi ngang, từng là vùng đất gặp rất nhiều khó khăn. Diện mạo vùng quê miền biển Khánh Bình Tây đã chuyển biến mạnh mẽ và đạt đủ các tiêu chí để trở thành đô thị loại 5. Trong khi đó, đô thị Đất Mũi là nơi cuối cùng cực Nam Tổ quốc, nơi đặt mốc tọa độ GPS 0001. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, mỗi năm đón cả triệu lượt khách.

Đô thị loại 5 là thị trấn hoặc một số xã, khu vực chuẩn bị nâng cấp thành thị trấn. Theo quy định hiện nay, để được công nhận là đô thị loại 5, đô thị đó phải giữ vai trò, chức năng là trung tâm hành chính hoặc trung tâm chuyên ngành cấp huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục…, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện hoặc cụm liên xã. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 4.000 người trở lên. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.000 người/km2 trở lên. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 55% trở lên cùng một số điều kiện khác theo quy định.

Đà Nẵng và Quảng Nam chia phần khai thác sông Cổ Cò

Chiều 8/1, hội thảo “Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế – xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng” được tổ chức tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhằm nghiên cứu, đánh giá tầm quan trọng của con sông này đối với quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Sông Cổ Cò hiện nay

Sông Cổ Cò nằm trong hệ thống sông nối liền hai tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Theo khớp nối và khơi thông, sông Cổ Cò kéo dài từ Cửa Hàn, Đà Nẵng đến Cửa Đại, Hội An, tổng chiều dài 28km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Quảng Nam dài 20km. Chiều dài qua Điện Bàn và Hội An khoảng 10km. Quản lý mép sông Cổ Cò trung bình khoảng 350km, nạo vét sông Cổ Cò đạt tiêu chuẩn sông cấp IV, phạm vi nạo vét 90m, phạm vi luồng song song 40m. Bề rộng trung bình mỗi bên khoảng 130m.

Năm 2003, lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau đi đến quyết tâm thống nhất chủ trương khởi động dự án khơi thông sông Cổ Cò. Đến tháng 5/2012, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam ký biên bản làm việc liên quan đến việc thống nhất một số nội dung về dự án khơi thông sông Cổ Cò từ Đà Nẵng vào Hội An.

Tháng 11/2016, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại các buổi làm việc với lãnh đạo hai địa phương. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung dự án khơi thông sông Cổ Cò vào danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trường xanh.

Đà Nẵng đầu tư vào công trình này khoảng 486 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 146 tỷ đồng, ngân sách thành phố 340 tỷ đồng. Dự án tập trung vào 4 hợp phần: nạo vét lòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống kè chắn, kiến tạo cảnh quan và nâng cấp các cây cầu. Tỉnh Quảng Nam sẽ định hình Chuỗi công viên văn hóa – lịch sử – sinh thái Quảng Nam được giới hạn bởi tuyến giao thông ven sông thành 5 khu công viên với tổng diện tích 408ha. Quy mô toàn khu du lịch và dân cư ven biển từ Điện Bàn đến Hội An, diện tích khoảng 1.586ha, dân số đến năm 2030 khoảng 60.000 người.

Khánh thành nhà máy điện mặt trời giữa đô thị ở Bình Phước

Ngày 8/1, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ tổ chức khánh thành Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ tại phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ

Dự án điện mặt trời Thác Mơ có công suất 50MWP, gồm khoảng 125.000 tấm pin mono được lắp đặt trên diện tích 57 ha, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng. Hàng năm, nhà máy sẽ đóng góp 78 triệu kWh vào hệ thống điện quốc gia qua cấp điện áp 110kV.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ Đinh Văn Sơn cho biết, dự án được khởi công xây dựng tháng 8/2020, đưa vào vận hành thương mại tháng 12/2020, vượt tiến độ 4 ngày.

Trong năm 2021-2022, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ sẽ tiếp tục vận hành an toàn các tổ máy thủy điện, đảm bảo cắt lũ an toàn cho vùng hạ du, khai thác hiệu quả nguồn năng lượng điện mặt trời. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các dự án điện mặt trời với quy mô công suất 375MWp trên các khu vực đất đai và lòng hồ thủy điện Thác Mơ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi đánh giá, dự án đi vào hoạt động góp phần đưa Bình Phước trở thành trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước và tạo sự thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tỉnh.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thác Mơ đã tạo việc làm cho trên 300 lao động. Dự kiến trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục tạo việc làm cho trên 1.000 lao động địa phương và nhiều hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tìm nhà đầu tư cho dự án Khu du lịch Eo Vượt 1 và 2 ở Bình Định

Tỉnh Bình Định vừa phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Khu du lịch Eo Vượt 1, Eo Vượt 2 tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này phát thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Khu kinh tế Nhơn Hội

Dự án Eo Vượt 1 có quy mô 14,22 ha, mục tiêu đầu tư phát triển theo quy hoạch các loại hình biệt thự du lịch, khách sạn du lịch và dịch vụ du lịch. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 235 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án khoảng 235 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 729 triệu đồng.

Dự án được triển khai tại thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, thuộc Phân khu 04, Khu kinh tế Nhơn Hội. Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 36 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án.

Trong khi đó, dự án Khu du lịch Eo Vượt 2 tại thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, thuộc Phân khu 04, Khu kinh tế Nhơn Hội. Khu du lịch được triển khai trên quy mô diện tích 17,93 ha, theo quy hoạch với các loại hình biệt thự du lịch, khách sạn du lịch và dịch vụ du lịch. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 210 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án trên 208 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ tái định cư khoảng 1,8 tỷ đồng.

Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 60 tháng kể từ ngày hợp đồng thực hiện dự án có hiệu lực hoặc được công nhận làm chủ đầu tư dự án.

Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện hai dự án này vào ngày 8/2/2021.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments