Chủ các dự án chờ rà soát thanh tra mong có kết luận sớm để đầu tư
Chia sẻ
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ sớm có kết luận xử lý các dự án bất động sản, nhà ở sử dụng đất có nguồn gốc từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc di dời theo quy hoạch.
Theo đó, HoREA đề nghị sớm có kết luận, xử lý một số dự án bất động sản, nhà ở thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án để rà soát lại về pháp lý; hoặc thu hồi, hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư, do sử dụng đất có nguồn gốc từ việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc di dời theo quy hoạch, theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2017/QĐ-TTg.
Thực hiện Văn bản 342/TTg-V.I ngày 7/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có khoảng 158 mặt bằng và dự án thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác.
“Hiệp hội và các doanh nghiệp rất cảm ơn lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3/2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường”, HoREA nêu ý kiến.
Tổ chức này cho rằng, việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không làm thất thoát tài sản công, hoặc làm thất thu nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh. Trên thực tế, nhiều dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoặc đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, hoặc đã bán cho khách hàng và người mua nhà đã cư ngụ ổn định, đã được cấp sổ hồng.
Từ nghiên cứu này, HoREA đề nghị sử dụng biện pháp kinh tế là chủ yếu để thu hồi đầy đủ giá trị tài sản nhà nước bị thất thoát (nếu có) hoặc các khoản thu ngân sách nhà nước bổ sung (nếu có), để giữ ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, các trường hợp nhà, đất nay qua rà soát, kiểm tra, thanh tra phát hiện chưa hoàn thành thủ tục về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, thì phải “báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể”.
Do vậy, “Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo các cơ quan Trung ương phối hợp với UBND TP.HCM sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra (nêu trên) để các chủ đầu tư chấp hành, trong đó có thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án”.
___________
Bài liên quan
Làm sao xác định đất Nhà nước bất định hình xen kẽ trong dự án?