100 bức ảnh kiến trúc ấn tượng năm 2021 – kỳ 3
Chia sẻ
100 bức ảnh lọt vào vòng chung kết One Photo Challenge 2021 – cuộc thi quy mô nhất về ảnh kiến trúc vừa được công bố. Mỗi bức ảnh đẹp kể một câu chuyện về công trình được chụp.
100 bức ảnh kiến trúc ấn tượng năm 2021 – kỳ 1
100 bức ảnh kiến trúc ấn tượng năm 2021 – kỳ 2
Viên ngọc trai trắng của Ấn Độ Dương, tác giả Omar Degan Sharif
Mogadishu, thủ đô của Somalia từng được mệnh danh là “viên ngọc trai trắng” của Ấn Độ Dương, với những tòa nhà màu trắng đẹp đẽ, bên những cây cọ tươi tốt và đại dương xanh thẳm. Điều đáng buồn là vào năm 1991, nội chiến nổ ra đã phá hủy hạ tầng thành phố, cuộc sống của những gia đình. Hơn 25 năm Somalia đối mặt với bất ổn và xung đột nội bộ, giờ đây, đất nước này đang tiến lên, để lại quá khứ đen tối và cả những công trình kiến trúc đẹp đẽ giờ chỉ còn là tàn tích.
Bức ảnh chụp một trong những địa danh nổi tiếng nhất của đất nước này – ngọn hải đăng Mogadishu với nhóm người đang đứng bên đống đổ nát. Họ đang hướng về phía trước, bỏ lại quá khứ đau thương do chiến tranh tàn phá.
Chờ đợi, tác giả Jim Stephenson
Những học sinh của trường Horris Hill ở Anh, đang xếp hàng vào nhà hát mới do Jonathan Tuckey Design thiết kế. Những học sinh đầu tiên được vào nhà hát đứng chờ đợi trong tâm trạng háo hức. Giáo viên yêu cầu im lặng nhưng sự phấn khích của nhóm học sinh chực bùng phát, chỉ chờ tiếng chuông reo để có thể bắt đầu tiết học…
Tháp tưởng niệm Olympic ở công viên Komazawa, tác giả Yu Heng Lim
Tháp được thiết kế để tưởng niệm Thế vận hội Tokyo 1964, nằm ở quảng trường chính của công viên Olympic Komazawa. Đây là địa điểm giải trí phổ biến của cư dân thành phố. Tòa tháp là biểu tượng cho niềm tự hào của người Nhật sau chiến tranh, trong việc xây dựng lại đất nước. Đây là công trình kiến trúc vượt thời gian, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Bức ảnh này thể hiện sự tò mò của thế hệ trẻ đối với tòa tháp.
Yoga, tác giả Edmund Sumner
Bức ảnh được chụp tại Bangkok, Thái Lan vào tháng 1 năm 2020, trong công trình do Enter Projects thiết kế. Đây là công trình kết hợp giữa việc sử dụng mây – vật liệu truyền thống, với mô hình máy tính. Tác giả bức ảnh đề nghị chủ nhân, bậc thầy Yogi Konstantin Miachin, làm mẫu. Hình thể con người đặt trong khối kiến trúc ngay lập tức mang lại hiệu ứng thị giác.
Mô hình bị hỏng, tác giả Karim Nasser
Hình chụp tòa nhà chính phủ ở Beirut, Lebanon bị tàn phá. Mặt tiền căn nhà cho thấy sự đổ vỡ khi tòa nhà chịu ảnh hưởng từ vụ nổ ở cảng Beirut. Vụ nổ xảy ra vào ngày 4 tháng 8 năm 2020 lúc 6 giờ chiều.
Vòng quanh pháo đài, tác giả Robin Quarrelle
Người đàn ông đi gần bức tường phía trước của một tòa nhà ở Lausanne, Thụy Sĩ. Nhìn gần, tòa nhà dường như không thể xuyên thủng. Nó trông như một tảng đá rắn chắc gần như nguyên khối không thể dịch chuyển.
Sáu tòa nhà, tác giả Demétrio Jereissati
Fortaleza là thành phố lớn ở ven biển miền đông bắc Brazil. Nơi đây, người dân cố gắng sống ở gần bãi biển, để có tầm nhìn ra biển. Nhiếp ảnh gia cho biết: “Ở đây, tôi nhìn thấy sáu tòa sát nhau, mà rõ ràng là tôi khó có thể phân biệt được chúng với nhau”.
Washing Turrell, tác giả Luis Ayala
Tác giả chia sẻ: “Tôi được giao nhiệm vụ chụp ảnh một tòa nhà ở Đại học Rice. Tôi thấy một anh chàng đứng đang làm việc trên thang nâng. Tôi nhìn anh ta và nghĩ, anh ta đang làm gì vậy? Tôi mở ống kính hết cỡ và nhận thấy phần mái ngang bằng phẳng đột nhiên trông giống như thẳng đứng. Người đàn ông làm sạch mái bằng vòi nước đang ở trung tâm của bức ảnh. Mặt trời phía sau anh ta làm cho tia nước bừng lên giữa ánh sáng.
Park, Shop, Eat, Pose, tác giả Peter Kubilus
Nhà để xe này nằm ở trung tâm của South Beach, nơi người dân có thể đậu xe hơi, và đi mua sắm ở khu Lincoln Rd. Starchitecture. Công trình đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa của Miami. Nơi đây, phong cách sống thời thượng và tràn đầy năng lượng hiện diện trong mọi khía cạnh.
Forest Dogma, tác giả Philippe Sarfati
Công trình Bosco Verticale của Stefano Boeri cho thấy chúng ta có thể trồng cây trên các tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, để duy trì vẻ ngoài tươi tốt quanh năm, các kiến trúc sư và kỹ sư thường phải sử dụng các hệ thống tưới tiêu phức tạp, đòi hỏi phải bảo trì liên tục. Các dự án dựa trên các hệ thống như vậy có thể được coi là thực sự bền vững không?
(Còn tiếp)
Theo Architizer