Bất động sản tuần qua: sai phạm đất đai ở Khánh Hòa, thanh tra – tạm dừng cấp phép condotel
Chia sẻ
Phát hiện hàng loạt sai phạm đất đai tại Khánh Hòa
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra 32 dự án và 3 trường hợp chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác. Nhiều dự án trong diện bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo thu hồi.
Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn chủ đầu tư Khu trung tâm thương mại dịch vụ và khách sạn Đông Hải (phường Cam Thuận, TP Cam Ranh) không thông qua đấu thầu là vi phạm quy định.
Thanh tra Chính phủ xác định UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa trên đảo Hòn Rùa khi chưa có sự chấp thuận của bộ, ngành liên quan là vi phạm Luật Đất đai.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra 3 trường hợp là cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước quản lý đã chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Thứ nhất là nhà đất số 68 Thống Nhất (P.Vạn Thắng, TP Nha Trang), thứ hai là nhà đất số 01 đường Quang Trung (P.Vạn Thắng, TP Nha Trang), thứ ba là trường hợp nhà đất số 9B đường Hoàng Hoa Thám, P.Lộc Thọ, TP Nha Trang.
> Xem thêm: Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm ‘đất vàng’ tại Khánh Hòa
Kiến nghị tạm dừng cấp phép condotel
Từ thực tế tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án condotel từ năm 2004, 2008 vi phạm về pháp lý đầu tư, bị chậm tiến độ, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp phép condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xử lý tình trạng đầu tư, xây dựng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất ở không hình thành đơn vị ở (biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ condotel) tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.
Việc xử lý theo hướng khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ; không gây ách tắc dòng vốn đầu tư; không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng thu hút đầu tư; hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho nhà đầu tư; có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước tiên là hệ thống pháp luật hiện hành.
Ngoài việc kiến nghị tạm dừng cấp phép dự án condotel; Thanh tra Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện hoàn thiện hệ thống pháp luật; giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng giải quyết cụ thể vấn đề condotel trên toàn quốc.
> Xem thêm: Bất động sản condotel bị đề nghị dừng cấp phép
Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ thanh tra việc sử dụng đất làm condotel
Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021.
Bộ yêu cầu cơ quan thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực đối với các dự án có nhiều khiếu kiện, chậm tiến độ, có người nước ngoài sử dụng đất, có lượng xả thải, lượng khí thải lớn, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt, việc chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường.
Tổng cục Quản lý đất đai được giao xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; việc quản lý, sử dụng đất theo Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Đơn vị này cũng có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc sử dụng đất khi thực hiện các dự án khu đô thị, phát triển nhà ở, dự án kinh doanh dịch vụ du lịch có bán biệt thự, căn hộ khách sạn (condotel); việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp.
Thủ tướng ký Nghị quyết 164/NQ-CP tháo gỡ cho thị trường bất động sản
Nghị quyết được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 5/11, nêu rõ: Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014, thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014, đồng thời được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, thì thực hiện theo quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014 và quyết định chấp thuận đầu tư của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Đối với các dự án chưa hoặc đang thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014, thì thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014 hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Nhà ở năm 2014, và không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.
Nghĩa là, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị sẽ chỉ phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo duy nhất Luật Đầu tư, sau đó mới triển khai các thủ tục khác theo quy định của luật chuyên ngành.
> Xem thêm: Thủ tướng ‘cứu’ thị trường bất động sản hậu dịch Covid-19
Bà Rịa – Vũng Tàu quy hoạch 1/2000 khu du lịch Núi Dinh
Đơn vị tư vấn đề xuất phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu du lịch lâm viên Núi Dinh gồm các phân khu chức năng như Khu thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí; Khu công viên cây xanh chuyên đề; các khu resort nghỉ dưỡng; sân golf; khu khách sạn trung tâm hội nghị; rừng tự nhiên, dự trữ phát triển; khu nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi, khu thể thao mạo hiểm, công viên nước…
Dự án dự kiến được chia làm 3 phân kỳ đầu tư. Phân kỳ đầu tư giai đoạn một (2020 – 2025) nhằm phát triển khu vực chân núi với một số khu chức năng. Giai đoạn 2 (2025 – 2030) phát triển trung tâm đấu nối, đồng thời hiện hữu các khu du lịch, vui chơi giải trí. Giai đoạn 3 (2030 – 2040) phát triển các khu chức năng còn lại.
Thủ tướng phê duyệt xây cầu Rạch Miễu 2 gần 5.200 tỷ đồng
Thủ tướng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025 với tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, vị trí xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu, tổng chiều dài tuyến khoảng 17,5 km. Điểm đầu giao cắt giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc tỉnh Bến Tre.
Cầu Rạch Miễu 2 vượt luồng chính sông Tiền, bề rộng cầu đáp ứng quy mô 4 làn xe cơ giới, dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng. Dự án được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu vận tải trên quốc lộ 60, thúc đẩy sự phát triển của 2 tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
> Xem thêm: 6 cây cầu dây văng hiện đại giúp dân miền Tây khỏi lụy phà
Đồng Nai thu hồi 186 ha đất tại Long Thành để đấu giá
UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thu hồi 186 ha đất do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai quản lý, sử dụng để xây dựng khu dân cư tại xã Long Đức, huyện Long Thành. Diện tích thu hồi nằm ở 2 xã An Phước và Long Đức, huyện Long Thành.
UBND tỉnh giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định; sau khi hoàn tất công tác bồi thường thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Khu dân cư xã An Phước, Long Đức nằm trong quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Long Thành, có diện tích lớn nhất trong 4 khu đất được quy hoạch đấu giá. Theo kế hoạch, sau khi đấu giá thành công, Long Thành đề xuất tỉnh trích lại một phần để đầu tư một số tuyến đường giao thông, trường học trên địa bàn huyện.
Hoa Nguyễn