Nhà ở chung cư sẽ tiếp tục tăng do giá mềm, tiết kiệm quỹ đất
Chia sẻ
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thực tế việc phát triển nhà ở của TP.HCM thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần giải pháp để tháo gỡ.
Thiếu nguồn cung dự án nhà ở cho thuê
Sở Xây dựng thừa nhận việc thiếu nguồn cung loại hình nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân, văn phòng kết hợp lưu trú.
Loại hình nhà ở cho thuê cũng thiếu, do người dân coi trọng sở hữu nhà ở: “Khả năng chi trả về nhà ở cho thuê, nhu cầu nhà ở cho thuê là rất lớn nhưng hiện nay nguồn cung các dự án nhà ở cho thuê hầu như chưa có”.
Mảng xây dựng nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị, trong đó có việc cải tạo, xây dựng mới nhà ở thay thế chung cư cũ, di dời các hộ dân trên và ven kênh rạch vẫn còn hạn chế trong thời gian gần đây.
Về hạ tầng kỹ thuật nhà ở, hiện các khu đô thị mới hiện đại của TP.HCM đã hình thành và tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ hạ tầng, tiện ích trong phạm vi dự án. Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hạ tầng khu vực chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn đến quá tải về hạ tầng chung.
Hiện nay tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao, tuy nhiên tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển nhà ở, vì vậy xảy ra tình trạng quá tải.
Sở Xây dựng cũng chỉ ra hạn chế ở khâu quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau xây dựng. Cơ quan này cho rằng, do nhận thức một số chủ sở hữu chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu căn hộ trong công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở của tòa nhà dẫn đến còn nhiều bất cập.
Nhà ở cao tầng tiếp tục tăng
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, chất lượng nhà ở của thành phố được cải thiện và nâng cao mạnh mẽ. Cơ cấu nhà ở chuyển dịch từ nhà ở bán kiên cố sang nhà ở kiên cố (từ 20,4% năm 1999 lên 37,6% năm 2016), giảm mạnh nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ (từ 16% năm 1999 còn 2% năm 2016).
Đến năm 2019, theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở, TP.HCM có 99,28% nhà ở kiên cố; 0,72% nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ. Điều này cho thấy chất lượng nhà ở của thành phố đang ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Việc phát triển nhà ở cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhà ở theo sự gia tăng dân số của TP.HCM. Trong vòng 10 năm (2009 – 2019) dân số thành phố tăng thêm 1.845.261 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng từ 16,6 m²/người năm 2009 lên 20,1 m²/người năm 2019.
“Diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng thêm cho thấy nhu cầu về nhà ở của dân số tăng thêm được đáp ứng và còn góp phần cải thiện diện tích nhà ở hiện hữu”, Sở Xây dựng nhận định.
Nhà ở của TP.HCM diễn ra xu hướng tất yếu là tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng và giảm dần tỷ lệ nhà ở thấp tầng trong các dự án. Việc phát triển mạnh nhà ở chung cư là kết quả đạt được từ việc định hướng thay đổi cơ cấu dự án từ thấp tầng sang cao tầng của Chính phủ và của Thành phố.
Thực tế, giai đoạn 2011 – 2015, nhà ở chung cư cao tầng chiếm tỷ lệ 90,6 % trong tổng quy mô căn hộ của dự án. Đến giai đoạn 2016 – 2019, tỷ lệ này là 91,4% và có xu hướng tiếp tục tăng trong tương lai.
Sở Xây dựng cho biết: “Việc xây dựng nhà ở chung cư là xu hướng tất yếu tại các đô thị lớn. Nhà ở chung cư thường có giá thấp hơn so với nhà ở thấp tầng (tương đồng cùng vị trí) vì vậy người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với mức giá của nhà chung cư hơn nhà thấp tầng. Ngoài ra, việc xây dựng nhà ở chung cư giúp tiết kiệm quỹ đất ở của thành phố. Vì vậy việc phát triển mạnh nhà ở chung cư tại các dự án là một kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 10 năm trở lại đây”.
_____________
TP.HCM tăng kinh phí xây nhà ở xã hội, nhà cho thuê