ĐANG TẢI TRANG

Gõ từ khóa tìm kiếm

Featured Xây dựng

TP.HCM hủy nhiều dự án trên ‘đất vàng’, Sun Group làm siêu dự án ở Hòa Bình

Chia sẻ

> TP.HCM hủy bỏ 61 dự án không thực hiện đúng kế hoạch
> Trường Thọ có gì để thành trung tâm của thành phố Thủ Đức?

Quốc hội thông qua việc thành lập thành phố Thủ Đức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 51 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM vào chiều 9/12.

Khu vực quận 2 của thành phố Thủ Đức

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM thực hiện trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.

Theo đó, thành phố Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Thành phố Thủ Đức gồm khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ như: cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng – quốc lộ 1K, quốc lộ 52…

Sau khi thành lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.

TP.HCM hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai, nhiều dự án trên “đất vàng”

Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão

Kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 9/12 đã thông qua nghị quyết hủy bỏ việc thu hồi đất cho 61 dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất vào các năm 2015, 2016, 2017 do đã quá 3 năm chưa triển khai thực hiện.

Trong đó, 43 dự án thuộc danh mục thu hồi đất (không chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa), 8 dự án thuộc danh mục thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và 10 dự án thuộc danh mục có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (có 1 dự án trên 10ha).

Trong số này có các dự án trên “đất vàng” như: Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão do chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện; Khu phức hợp Đồng Khởi – Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế do UBND TP.HCM chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ…

Sun Group muốn làm siêu dự án ở Hòa Bình

Tỉnh ủy Hòa Bình vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sun Group để nghe và cho ý kiến về ý tưởng đầu tư tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn.

Buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình với Tập đoàn Sun Group

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Sun Group cho biết, sau thời gian khảo sát tại huyện Lạc Sơn và Kim Bôi, tập đoàn này đã xây dựng, lên ý tưởng và đề xuất lập quy hoạch Dự án tổ hợp khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, cáp treo và tàu hỏa leo núi, yoko.

Tổ hợp gồm: khu cáp treo và tàu hoả leo núi (khu ga đi cáp treo – Cuối Hạ; khu ga đi tàu hỏa – Đồi Thung); khu tổ hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp; khu đô thị nghỉ dưỡng Yoko Onsen – Quý Hòa.

Tập đoàn Sun Group cam kết nếu được đầu tư tại đây sẽ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, các yếu tố về môi trường, sinh thái, tạo công ăn việc làm và cho người dân và tạo sức hấp dẫn cho điểm du lịch…

Ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Tập đoàn Sun Group sớm tiến hành khảo sát, đảm bảo chi tiết, cụ thể. Đồng thời cam kết, tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho đơn vị này, sớm hoàn thiện đường giao thông để phục vụ cho triển khai dự án.

Đồng Nai đầu tư hơn 407 tỷ đồng cho các công trình xã hội

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tiếp theo) Dự án thành phần xây dựng các công trình xã hội khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An – Bình Sơn.

Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn

Các công trình thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành (hạng mục: Trường tiểu học tại lô đất có ký hiệu III-GD-4) với tổng mức đầu tư 407,4 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, trong tháng 12/2020 sẽ lựa chọn nhà thầu cho 3 gói thầu. Cụ thể, gói thầu số 15 (xây dựng) Trường tiểu học tại lô đất có kí hiệu III-GD-4 (không bao gồm: hệ thống phòng cháy chữa cháy, báo cháy, chống sét; trạm biến áp, đường dây trung thế) có giá gói thầu 23,987 tỷ đồng. Gói thầu sẽ được đấu thầu qua mạng.

Gói thầu số 16 (tư vấn) thẩm định hồ sơ mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; gói thầu số 17 (phi tư vấn) bảo hiểm rủi ro của chủ đầu tư trong quá trình thi công công trình trường tiểu học tại lô đất có ký hiệu III-GD-4 sẽ được chỉ định thầu trong tháng 12/2020.

Lâm Đồng giải tỏa làng biệt thự trái phép dưới chân núi Voi

Từ ngày 10/12, các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng bắt đầu thực hiện giải tỏa, cưỡng chế những công trình xây dựng trái phép dưới chân núi Voi, thuộc tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.

Làng biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Voi

Theo phản ánh, trong số hơn 355 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 268, thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đã giao cho Công ty CP Du lịch sinh thái Phương Nam triển khai dự án, có hơn 10% diện tích đã bị các hộ dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép.

Một ngôi làng được xây dựng trái phép mọc lên trên đất rừng, có hạ tầng cơ sở giao thông, lưới điện thắp sáng và hơn 50 căn nhà khang trang trên đất đã cấp cho doanh nghiệp.

Ngày 28/10, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm tại làng biệt thự xây dựng trái phép này. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng không xác định được người vi phạm nên việc xử lý kéo dài.

Ngày 10/12, sau khi xác định được chủ thể của 3 trong tổng số hơn 50 công trình vi phạm, UBND huyện Đức Trọng đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa.

Đắc Lắk mời thầu dự án BT gần 850 tỉ

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột vừa có thông báo mời thầu Dự án đường giao thông QL26 (Km145+800)-QL14-TL8, thành phố Buôn Ma Thuột theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT.

Quốc lộ 26

Theo đó, dự án được thực hiện tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện CưMgar, gồm 3 hợp phần: giải phóng mặt bằng, xây dựng và lắp đặt thiết bị. Tổng mức đầu tư dự án 842,4 tỉ đồng.

Mục tiêu của Dự án là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk.

Dự án sẽ được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Thời gian dự kiến thực hiện 36 tháng.

Thời gian kết thúc phát hành hồ sơ mời thầu là ngày 28/12/2020; nộp hồ sơ thầu tại Ban QLDA ĐTXD Thành phố, địa chỉ 01B Trần Khánh Dư, thành phố Buôn Ma Thuột.

0 0 votes
Article Rating
Thẻ
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments